Bùn, đất, rác thải ngập ngụa kín mặt nước
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ trên cao nhìn xuống, khu vực mặt biển Bến Do có nhiều đụn đất, đá, cát bị bồi lắng khiến cho những chiếc tàu, thuyền muốn ra, vào bờ phải chạy vòng vèo cả quãng khá xa.
Bên cạnh những chiếc tàu, thuyền của ngư dân đang neo, đậu là một số chiếc tàu nát bỏ đi nằm nửa chìm, nửa nổi.
Một góc khu neo, đậu tàu thuyền Bến Do, TP Cẩm Phả khi thủy triều xuống
Điều đáng nói, trên những xác tàu, thuyền bỏ đi ấy có những cọc gỗ tua tủa, nếu lúc triều cường, phương tiện của ngư dân không quan sát được đâm vào thì sẽ khó đảm bảo được an toàn.
Những đụn đất, đá khổng lồ bồi lắng xuống mặt biển khu vực Bến Do
Thấy có khách gọi, một phụ nữ lái đò lớn tuổi vội vàng khua mái lướt con đò nhỏ lao vào chỗ đụn đất cạnh bờ kè đón.
Khu vực lên, xuống đò nằm cạnh một cống thoát nước lớn, do không được xử lý khiến dòng nước từ trong đổ ra đen ngòm làm loang một vệt rộng trên biển. Khi chị lái đó khua mái chèo, một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên rất khó chịu.
Xác một con thuyền lớn bị bỏ ngay cạnh bờ gây khó khăn cho phương tiện qua, lại
Biết ô nhiễm môi trường, nhưng phải chờ quy hoạch!
Đến khu vực nhà bè với hàng chục hộ dân sinh sống ở vùng biển Bến Do, PV Báo Giao thông thấy hầu hết mọi sinh hoạt của gia đình các hộ đều ở trên những con thuyền bé chừng hơn chục mét vuông. Và đương nhiên, những chất thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân ấy đều trút xuống biển.
Dòng nước thải từ chiếc cống đen ngòm tuôn thẳng ra vùng biển Bến Do
Anh Nguyễn Văn Vân, chủ một nhà bè nhỏ nằm ở sát chợ cá Bến Do kể: Nhà anh có 5 người. Cách đây gần chục năm, khi chính quyền TP Hạ Long yêu cầu di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long, do không đủ điều kiện được cấp nhà, nên thấy vùng biển này kín gió, mấy chục hộ dân liền bảo nhau kéo về đây sinh sống.
Những chất thải sinh hoạt hàng ngày của người dân tại vùng biển Bến Do cơ bản tuồn thẳng xuống biển
"Vài năm trước, chính quyền địa phương cũng kiểm tra và yêu cầu các hộ di dời đi nơi khác sinh sống. Nhưng bà con kéo bè đi ra xa được một thời gian rồi lại quay vào. Mà thực tế, nếu không cho chúng tôi sống ở đây thì chúng tôi biết đi đâu bây giờ?", anh Vân trầm tư.
Một chiếc tàu bỏ đi nằm nửa chìm, nửa nổi không khác gì "bẫy" các phương tiện qua, lại
Có một điều đáng quan ngại là, trong khu vực neo, đậu tàu, thuyền, nhà bè tới hàng trăm chiếc với hàng ngàn người thường xuyên sinh sống như vậy thì cách đó không xa là một bãi tắm công cộng được thiết kế khá đẹp.
Một chiếc bè nuôi trồng hải sản bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường
Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, một lãnh đạo UBND TP Cẩm Phả thừa nhận vấn đề bảo vệ môi trường cho vùng biển Bến Do đang rất phức tạp, khó khăn.
"Hiện nay, chính quyền thành phố đã rà soát và chủ trương di chuyển bến neo, đậu này đi nơi khác. Phương án lựa chọn có thể ở vùng biển phường Cẩm Thịnh, phường Mông Dương và xã Cẩm Hải. Tuy nhiên, phải chờ đến khi có quy hoạch tổng thể được phê duyệt thì mới triển khai được", vị lãnh đạo này cho hay.
Cạnh vùng neo, đậu tàu thuyền là bãi tắm công cộng
Được biết, thời gian gần đây, TP Cẩm Phả đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng "từ nâu sang xanh". Trong đó, việc phát triển không gian đô thị xuống khu vực ven biển và hình thành hệ thống dịch vụ thương mại được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mô hình này.
Khi thủy triều xuống, mùi hôi, thối từ biển thổi vào khu vực phía trong, nên rất phát triển được hệ thống dịch vụ nếu không có biện pháp xử lý môi trường
Tuy nhiên, với thực trạng vùng biển nằm ngay ở trung tâm thành phố bị ô nhiễm nặng nề như hiện nay, hệ thống dịch vụ, nhà hàng ăn, uống ở vùng phụ cận sẽ khó thu hút được khách. Và đáng lo hơn là hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe của những hộ dân sinh sống nơi đây!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận