Thế giới giao thông

Rác thải vũ trụ cũng có thể biến thành... nhiên liệu

02/12/2021, 05:54

Các nhà khoa học nghiên cứu phương án tái chế rác thải vũ trụ thành nhiên liệu nhằm đảm bảo an toàn trên vũ trụ.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, hiện có khoảng 9.200 tấn rác thải vũ trụ đang trôi nổi trong quỹ đạo Trái đất. Lượng rác thải vũ trụ này khiến công tác quan sát thiên văn trở nên khó khăn hơn và độ chính xác thấp hơn.

Ý tưởng tái chế rác thải vũ trụ thành nhiên liệu động cơ phản lực và xây dựng trạm nhiên liệu trong vũ trụ đang rất hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của nhiều công ty trên thế giới.

Ý tưởng này bao gồm các công đoạn thu thập các mảnh rác thải vũ trụ, cắt nhỏ chúng thành các bộ phận nhỏ rồi nung chảy thành kim loại và tái chế thành nhiên liệu cho hệ thống động cơ phản lực điện trong vũ trụ. Nhờ đó, rác thải vũ trụ sẽ được tái chế ngay trong không gian.

img

Ước tính có khoảng 170 triệu mảnh vỡ rác thải vũ trụ trong không gian, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những vụ va chạm dẫn tới hậu quả khôn lường

Giai đoạn đầu tiên của quá trình hiện đã được một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản là Astroscale thực hiện. Thiết bị của công ty này có tên ELSA-d được phóng lên không gian hồi tháng 3, dùng nam châm để hút rác thải vũ trụ.

Sau đó, công ty Nanorocks (có trụ sở tại Mỹ) sẽ tháo dỡ các bộ phận của mảnh vỡ ngay trong không gian và chuẩn bị cho giai đoạn tái chế tiếp theo. Một công ty khác tại Mỹ là CisLunar Industries đang xây dựng xưởng đúc để nung chảy rác thải thành kim loại dùng làm nhiên liệu cho hệ thống động cơ phản lực.

Hệ thống này được công ty Australian Neumann Space áp dụng để phục vụ cho các sứ mệnh của tàu vũ trụ và vệ tinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.