Chuyện dọc đường

Ranh giới

10/09/2021, 06:00

Nghẹn lòng. Khó thở. Trái tim như bị bóp nghẹt. Nước mắt không ngừng rơi. Đó là những cảm xúc rất mạnh khi xem VTV đặc biệt "Ranh giới".

Rất, rất nhiều người đã xúc động mạnh khi xem phóng sự tài liệu “Ranh giới” phát trên chương trình VTV đặc biệt tối 8/9. Những hình ảnh đầy ám ảnh.

Mỗi ngày, bản tin của Bộ Y tế vẫn nêu con số mười mấy nghìn người nhiễm mới, mấy trăm ca tử vong.

Những con số lúc đầu khiến người ta giật mình, nhưng rồi ngày nào cũng thế. Người ta lướt qua nó, người ta nhấn một nút buồn trên facebook, rồi quên. Ở những nơi Covid-19 chưa khiến cuộc sống đảo lộn, người ta thậm chí còn nghĩ chuyện đó “ở rất xa”.

img

Bác sỹ cấp cứu cho sản phụ mắc Covid-19, cảnh trong phóng sự tài liệu “Ranh giới” của VTV

Không ai biết đằng sau đó là những số phận con người như thế nào, hoàn cảnh ra sao. Mấy ai biết để chiến đấu giành giật từng ca ra viện thay vì chia tay bệnh nhân mãi mãi, các nhân viên y tế đã phải làm những gì.

Mấy ai biết họ - cả nhân viên y tế và các bệnh nhân, đã phải trải qua những giờ phút ra sao giữa Ranh giới của Sự sống và Cái chết.

Giãn cách hay phong tỏa, chốt chặn hay kiểm soát người ra đường… mọi giải pháp là cần thiết nhưng không thể thiếu những hình ảnh, thông tin thật như chương trình “Ranh giới” mang tới.

Nghẹn lòng. Khó thở. Ngột ngạt. Trái tim như bị bóp nghẹt. Nước mắt không ngừng rơi. Đó là những cảm xúc rất mạnh mà chương trình mang lại cho người xem.

Nhưng những hình ảnh đó hoàn toàn không làm cho người xem hoang mang, mà nó sẽ tác động trực tiếp đến suy nghĩ, hành động của mỗi người.

“Đặt tay lên ngực và thấy mình còn thở đã là hạnh phúc, và biết ơn” là cảm nhận của nhiều người.

Cũng nhiều người chia sẻ, họ không thể xem hết chương trình khi đối diện với sự bất lực của những người mẹ đang mang thai không thể thở để cung cấp oxy cho chính con mình.

Ai đó, lại thấy lấn cấn khi những người làm phim không làm mờ hình ảnh nhân vật. Nhất là hình ảnh cô gái ra đi chưa thể nhìn mặt cha. Họ sợ những hình ảnh đó sẽ ám ảnh người ở lại.

Nhưng đạo diễn “Ranh giới” đã trả lời báo chí, để tất cả chân thật nhất, anh đã xin phép nhân vật và được họ đồng ý.

Ai cũng cần biết sự thật dù nó nghiệt ngã, để tự chọn cho mình cách hành xử tốt nhất.

Ai rồi cũng sẽ phải đối diện với sự thật.

Cuộc chiến chống Covid-19 còn dài, cần dự liệu mọi tình huống để khi đối diện sự thật trần trụi nhất, không quá muộn.

Đến thời điểm này, ở nhiều nơi, đội ngũ bác sỹ, y tá, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang và cán bộ phường, xã đã thực sự quá tải. Số ca nhiễm, số người đi cách ly, số bệnh nhân cần điều trị, số người thiếu lương thực ngày càng tăng nhưng số nhân viên phục vụ tuyến đầu ngày càng thiếu hụt.

Họ cần được đảm bảo chế độ, cần sự bù đắp về vật chất đủ để tái tạo sức lao động.

Có cách nào giúp họ, thực chất nhất?

Cơ chế văn bản nào cần sửa đổi ngay để bổ sung hệ thống cơ sở vật chất và đưa đội ngũ y tế tư nhân vào cuộc, giảm tải cho hệ thống an sinh chung? Có cách nào để các bệnh viện không phải xoay xỏa, vay mượn để trả lương nhân viên dù mức lương đã giảm rất nhiều so với trước. Có cách nào để tập trung nguồn lực cho chữa bệnh nhiều hơn?...

Ví như chăm lo, cung cấp các suất ăn đủ chất, hợp khẩu vị cho đội ngũ cán bộ y tế tại miền Nam, nhất là những người được tăng cường từ miền Bắc?

Hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn gửi Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 TP.HCM.

Lần đầu tiên, một người vừa là lãnh đạo vừa là đồng nghiệp của những chiến sĩ áo trắng, đã phải viết lên những sự thật đau đớn như thế này:

“Hàng ngày, nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn là 120.000 đồng/ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với các nhân viên hỗ trợ đến từ khu vực miền Bắc khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch.

Nhân viên y tế là F0 được điều chuyển lên khu người bệnh, ăn suất ăn như người bệnh (80.000 đồng/ngày). Tinh thần nhân viên y tế nhiễm bệnh càng thêm suy sụp”.

Những sự thật như thế, khi được nhìn, nghe và thấu cảm, sẽ giúp chúng ta nhìn lại chính bản thân, điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình, dù ở trong cương vị nào, dù là một người dân hay là người lãnh đạo có quyền quyết định những chính sách để thay đổi tình trạng đó.

Bởi sự nỗ lực của hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người trên tuyến đầu chống dịch hơn một năm qua, sẽ có lúc chạm đến ranh giới giữa sức người và yêu cầu quá lớn từ đòi hỏi thực tế.

Trần Mỹ Dung

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.