“Mua cho con chiếc còng tay” trở thành từ khóa “hot” những ngày qua khi gây tranh cãi kịch liệt. Đây là một câu rap trong bài “Censored” của một rapper có rapname Chị Cả - thí sinh King of Rap, phát hành năm 2018.
Rapper Chị Cả xin lỗi và hứa gỡ bỏ bản rap “Censored”
Nhiều tài khoản sử dụng đoạn rap trong bài này để remix làm nhạc nền cho video đăng trên Tiktok. Thậm chí, Trên Youtube, Facebook, ca khúc được đăng tải với nhiều phiên bản, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Đoạn với ca từ tục tĩu về quan hệ bố chồng - con dâu được cho là cổ súy loạn luân khiến nhiều người bức xúc.
Thậm chí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, đây là điểm của sự phản cảm. Anh nhận định "dù thể loại nhạc nào cũng cần phải có giá trị nhân văn, tính nghệ thuật. Bài hát phải đẹp từ cái tên đến ca từ, giai điệu đến nội dung".
Trước làn sóng phẫn nộ, rapper Chị Cả đã lên tiếng xin lỗi. Rapper này cho biết, anh sáng tác ca khúc trên vào cuối năm 2018. Bản Rap nằm trong những sáng tác anh muốn viết về các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.
Anh thừa nhận, bản thân hiểu đây không phải sản phẩm phù hợp với đại chúng nhưng không ngờ lại có ngày “bùng nổ” như vậy. Rapper này thanh minh: “Tôi xin lỗi vì đã không chọn lọc ngôn từ cẩn thận, kỹ càng, ý tứ lời lẽ cũng không rõ ràng dẫn đến việc mục đích ban đầu là châm biếm bị hiểu sai”.
Đồng thời, Chị Cả cho biết sẽ xóa/ ẩn những bản nhạc ở thời điểm đó, cũng như đánh bản quyền trên TikTok để bản rap này không lan truyền rộng rãi nữa.
Bản rap "Thích Ca Mâu Chí" bị chỉ trích xúc phạm Phật Giáo. Nhóm tác giả đã phải gỡ video và đến chùa Quán Sứ xin lỗi cộng đồng Phật Giáo và sám hối
Không chỉ “Censored” , hàng loạt bản rap thời gian qua cũng bị chỉ trích có lời lẽ dung tục, phản cảm như “Lái máy bay” (Bình Gold), Tượng (Rhymastic), “Thích Ca Mâu Chí” (Rap nhà làm), “Mẩy thật mẩy” (BigDaddy)…
Nhiều ý kiến bức xúc gọi đây là nhạc “rác”, mong muốn cơ quan chức năng xử lý mạnh tay để chấn chỉnh, xử lý, tránh những hệ lụy về văn hóa.
Trước vấn đề này, chia sẻ với Báo Giao thông, NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, những bản nhạc này được phát hành ở đâu, ở đó có trách nhiệm quản lý và xử lý. Những bản nhạc phát hành trên internet, trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị quản lý thông tin điện tử.
Ông Vinh cho rằng, các sản phẩm lan truyền trên mạng không phải biểu diễn nghệ thuật, người thể hiện cũng không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp. Do đó, Cục không quản lý về vấn đề này.
“Còn những nội dung nào cảm thấy không tốt, tốt nhất khán giả không nên xem và nghe”, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận