Làn sóng dịch lần thứ 4 ập xuống khiến cụm rạp chiếu phim điêu đứng, đồng loạt gửi đơn “kêu cứu”. Song, nhiều ý kiến cho rằng, lĩnh vực này không phải thiết yếu để được ưu tiên hỗ trợ.
Liên tục đóng cửa rạp chiếu vì dịch, những doanh nghiệp trong lĩnh vực phát hành phim đang bị khó khăn bủa vây
Còn đâu thời “hoàng kim”
Công ty CP Phim Thiên Ngân, chủ sở hữu cụm rạp Galaxy cho biết, Galaxy hiện phải đóng cửa hoàn toàn 18 cụm rạp trên cả nước. Doanh thu bằng 0 nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả khoản chi phí thuê mặt bằng rất lớn ở những vị trí đắc địa nhất.
“Galaxy đang thua lỗ khoảng 15-20 tỷ đồng/tháng. Nếu không được sớm mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ phải đóng cửa nhiều điểm rạp”, đại diện Galaxy buồn bã nói và thừa nhận, buộc phải giảm lương của 600 nhân viên để giảm rủi ro cho hệ thống.
“Chúng tôi đang rất khó khăn khi thời điểm dịch vừa rồi mới hoàn thành đầu tư, mở rộng cụm rạp để tăng số phòng chiếu gấp 10 lần so với trước đây”, vị đại diện nói và bày tỏ mong được Nhà nước hỗ trợ để vượt qua khó khăn này.
Đó cũng là nguyện vọng của đại diện BHD khi áp lực lớn nhất với đơn vị này là tiền thuê mặt bằng.
“Chúng tôi chỉ được ngân hàng giãn nợ 1 năm cho nguồn vốn vay trong năm 2020 và không có bất kể sự giúp đỡ nào khác. Với tình hình hiện nay, chúng tôi mong muốn được gia hạn thời gian thanh toán bảo hiểm xã hội, có hướng dẫn cụ thể giảm giá chi phí thuê mặt bằng”, đại diện BHD cho hay.
Chung cảnh ngộ, cụm rạp CGV - đơn vị nắm khoảng 50% thị phần ngành chiếu phim tại Việt Nam cho biết, chỉ còn 3 rạp hoạt động trong cụm 81 rạp trên toàn quốc.
“Nếu như trước đây chiến lược có thể thay đổi khi chỗ này đóng vẫn còn chỗ kia để phát triển thì lần này, dù không đóng thì người dân cũng hoang mang không dám đến rạp”, đại diện CGV chia sẻ.
Cũng bởi vậy, trước đó, Thiên Ngân, BHD Việt Nam, CGV và Lotte Cinema đã ký vào văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, các bộ ngành liên quan xin hỗ trợ về thuế, lãi vay, gia hạn nộp bảo hiểm để vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Tình cảnh hiện nay tại các cụm rạp trái ngược hoàn toàn với sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực này những năm trước, mang lại nguồn thu lớn cho các nhà đầu tư.
Báo cáo về sự tăng trưởng của ngành điện ảnh Việt Nam (giai đoạn 2010-2020) cho thấy, số lượng rạp chiếu phim trên toàn quốc đã tăng từ 90 (năm 2010) lên 1.096 phòng chiếu vào năm ngoái. Số lượt khán giả ra rạp xem phim cũng tăng hơn 700% từ con số 7 triệu lên 57 triệu lượt. Doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng khá ấn tượng.
Cụ thể: Công ty Thiên Ngân, năm 2017 doanh thu 1.051 tỷ, lợi nhuận 119 tỷ đồng; Đến năm 2019, doanh thu 1.215 tỷ đồng, lãi gộp 539 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ đồng.
Với Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (chủ sở hữu cụm rạp CGV), năm 2016, doanh thu thuần 2.140 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng thì đến năm 2019, doanh thu tăng lên 3.708 tỷ, lãi 122 tỷ, cao nhất từ khi thành lập.
Thay đổi hay là “chết”?
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với đề xuất hỗ trợ về thuế, lãi vay, gia hạn nộp bảo hiểm thì đã được hướng dẫn rất rõ ở Nghị quyết 68 của Chính phủ. Do đó, các đơn vị rạp chiếu phim hay cơ sở văn hóa nghệ thuật đều được hỗ trợ theo quy định.
“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của họ là tiền thuê mặt bằng lại là thỏa thuận dân sự. Quan hệ thị trường thì phải là thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê. Chính sách của Nhà nước không can thiệp việc này. Còn nếu là tài sản của Nhà nước thì Nhà nước còn miễn giảm tiền thuế đất, từ đó giảm tiền mặt bằng”, ông Tuấn nói.
Cho rằng trong bối cảnh này, Chính phủ chia sẻ nhưng nguồn lực không nhiều nên các doanh nghiệp cần có giải pháp riêng để tự cứu mình trước, vị này nói: “Thiệt hại nặng nề vì thuê địa điểm đâu chỉ có rạp chiếu phim mà các tiệm ăn, nhà hàng, trung tâm giải trí cũng chung cảnh ngộ. Trong khi, tính “thiết yếu” trong hoạt động của rạp chiếu phim cũng khó xác định, khi bối cảnh này, thay vì đến rạp chiếu phim người dân có thể ở nhà cũng xem được”.
Thực tế cho thấy, dịch bệnh đã tác động đến hoạt động của các rạp chiếu phim, tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp đã tăng doanh số trong chính bối cảnh khó khăn này.
Một đại điện của Galaxy Play (công ty kinh doanh phim trực tuyến thuộc Galaxy) chia sẻ: Doanh số công ty mùa dịch tăng gấp 5 lần so với trước đó.
“Nhiều người cũng đã chủ động tìm đến loại hình này để thư giãn trong những ngày giãn cách. Điều này đã giúp nền tảng của công ty có bước phát triển nhanh chóng”, vị đại diện nói và cho biết, đây là chiến lược của Galaxy khi tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài.
Vị này nhận định, nền tảng trực tuyến sẽ làm thay đổi thói quen của người dùng và sẽ là lợi thế rất lớn nếu các rạp biết tận dụng và nhanh chóng chuyển đổi: Chi phí cho nền tảng rất thấp, chỉ bằng một phần nhỏ việc xem trực tiếp.
Cụ thể, một bộ phim chiếu rạp được đưa lên nền tảng này thì giá chỉ còn 22 nghìn đồng/bộ, thay vì 45-80 nghìn đồng. Nếu mua gói, khoảng 5 người có thể xem thì giá chỉ 70 nghìn đồng. Còn mua luôn gói xem online cho 6 tháng, chỉ cần bỏ ra 100 nghìn đồng.
“Mức giá này quá rẻ so với xem phim tại rạp, mà lại tiện lợi, đảm bảo an toàn phòng dịch và cũng phù hợp với xu hướng nhiều gia đình đang tìm đến sự yên tĩnh”, vị này nói và cho biết, trên thị trường Việt Nam hiện nay không nhiều những đơn vị chuyển đổi sang loại hình này mà họ thường đầu tư trang thiết bị hiện đại cho rạp…
Liên quan đến kiến nghị của chủ sở hữu các cụm rạp được ghi nhận chiếu phim là “hoạt động thiết yếu” và sớm cho các rạp hoạt động trở lại, đại diện Cục Điện ảnh cho biết, hệ thống rạp chiếu ở các tỉnh thành lớn chủ yếu của nước ngoài. Khi các địa phương quyết định đóng hay mở các rạp phải tuân thủ nguyên tắc bám sát diễn biến thực tiễn, với tinh thần phòngchống dịch bệnh cao nhất. Do đó, việc có xem là hoạt động thiết yếu hay không còn dựa vào việc đảm bảo an toàn phòng dịch của cơ quan chức năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận