Những chuyến đò chở hàng chục du khách trên suối Yến nhưng chỉ có 1-2 dụng cụ nổi cứu sinh - Ảnh: Tạ Tôn |
Đầu Xuân trảy hội chùa Hương, ai cũng muốn mình có những giờ phút thanh tịnh cầu cho cả năm an bình, sung túc. Nhưng đáng buồn, lễ hội lớn và kéo dài nhất cả nước này vẫn còn rất nhiều điều làm rầu lòng du khách.
Thực tế, ngay khi cách bến đò khoảng 5 cây số, du khách đã bị bủa vây bởi đám “cò” vô tư mời chào đi đò trọn gói. Cũng chính các đối tượng “cò” này dẫn nhiều đoàn du khách khác đi qua các trạm kiểm soát một cách dễ dàng để vào thẳng bến đò. Sau khi chấp nhận trả với giá cao hơn gấp hai lần giá niêm yết của ban tổ chức, khách được dẫn xuống đò đi trên suối Yến và được lái đò phát cho mỗi người một vé. Nhưng lạ một điều, suốt hành trình hơn 2 tiếng đi đò, không có bất cứ việc kiểm tra nào của ban tổ chức về điều kiện an toàn đò, phao cứu sinh cũng như các quy định về giá vé và chuyên chở khách. Trong khi đò không có phao cứu sinh, người chèo đò cũng không mặc đồng phục và các đò cũng không đi theo hàng lối nào cả.
Có một thực tế, dù ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã niêm yết và phát loa phóng thanh đầy đủ về mức giá vé vào cổng cũng như vé đò đúng giá 130.000 đồng/người, nhưng chẳng mấy du khách đi được đúng với giá này. Bởi, hầu như tất cả chủ đò đều đòi khách phải “bo” thêm. Thậm chí với những nhóm khách ít người, các lái đò ra giá thẳng thừng cao gấp 2 - 3 lần giá niêm yết. Nhiều khách bức xúc phản ứng, nhưng sau một hồi không tìm được đò nào khác, đành chấp nhận đi với giá cao.
Một lái đò tiết lộ, trong 3 tháng lễ hội chùa Hương, các lái đò có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng họ kiếm được trên 30 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn mà nếu chỉ chở đò đúng giá quy định, khó có thể kiếm được.
Không rõ ban tổ chức lễ hội chùa Hương có biết việc này? Tại sao du khách không thể đi đò đúng giá quy định? Và vì sao các lái đò có thể thủ sẵn trong người những tấm vé thắng cảnh và cả vé đò để đưa cho du khách khi cần thiết?
Mỗi mùa lễ hội chùa Hương đón hàng triệu lượt du khách. Chính vì thế, việc tổ chức càng cần phải chuyên nghiệp, chuẩn chỉ. Các lái đò cần được trang bị đồng phục. Bến đò nên được bố trí một cửa xuống đò, một cửa lên đò và có nhân viên kiểm soát vé và sắp xếp đò cho du khách. Thực tế cách làm này đã được ban tổ chức bến đò Tràng An thuộc chùa Bái Đính thực hiện nhiều năm nay và đã đạt hiệu quả cao. Du khách vì thế cũng yên tâm hơn khi đi đò ở Tràng An. Còn bến đò suối Yến ở chùa Hương nhiều năm nay vẫn cứ lộn xộn. Cách làm như vậy đâu có xứng một thắng cảnh tâm linh tầm cỡ quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận