Bệnh nhân nhi đang được điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. |
Tăng nhanh trẻ nhỏ khám hô hấp
PGS. Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ trẻ đến khám tăng mạnh trong mấy ngày qua. Tuy nhiên, sau khám trẻ đều được phân loại, nếu trẻ bệnh nhẹ, sinh sống trên địa bàn Hà Nội sẽ được hướng dẫn cho về nhà điều trị. Chỉ với những trường hợp bệnh nặng các bác sĩ mới yêu cầu nhập viện. “Trời lạnh sâu như thế này, đa phần trẻ nhập viện khám và điều trị các bệnh về hô hấp, nhất là viêm phổi”, BS. Dũng cho biết.
Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, bế cô con gái 8 tháng tuổi trên tay, anh Nguyễn Văn Hưng (Mai Động, Hà Nội) cho hay: “Từ hôm thời tiết chuyển rét đậm, bé đã có dấu hiệu ho, sốt, quấy và bỏ ăn. Cho con vào viện thì được chẩn đoán viêm phổi nặng. Cũng may, đến hôm nay cũng đã ổn hơn”.
Theo khuyến cáo của BS. Dũng, trong thời tiết giá lạnh như hiện nay, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần thường xuyên chú ý đến trẻ, tránh để trẻ toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, viêm phổi. Thời tiết không chỉ lạnh, còn kèm theo mưa phùn, tạo môi trường cho virus phát triển gây nhiễm khuẩn đường hô hấp khiến trẻ dễ bị viêm họng, viêm amidan, viêm phổi.
“Khi trẻ có biểu hiện ngủ li bì, ăn kém, thở rít... cần nhanh chóng nhập viện để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ sẽ bị suy hô hấp, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, BS. Dũng cho biết.
Người già dễ đột quỵ
Tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư, mấy ngày rét vừa qua, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, chảy máu não.
Chị Nguyễn Thị Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang chăm sóc bố tại đây cho biết, bố chị nhập viện từ hôm qua, do thấy ông huyết áp tăng cao đột ngột, cùng với biểu hiện khó thở, gia đình vội cho nhập viện. “Ông cụ nhà chị vốn mắc đái tháo đường nhiều năm, đã 1 lần tai biến nhẹ, nên chị đưa cụ vào nhập viện luôn. Chứ thời tiết khắc nghiệt thế này, mình trẻ còn lo huống hồ gì cụ đã 78 tuổi rồi”, chị Trang cho hay.
Còn anh Hoàng Hùng (Gia Lâm, Hà Nội), chốc chốc lại ngó vào phòng cấp cứu chờ đợi thông tin về tình hình của bố anh. Anh Hùng cho biết: “Đây là lần thứ 3 ông bị tai biến. Hi vọng ông tai qua nạn khỏi”. TS.BS. Trần Viết Lực, Phó Trưởng khoa Khám Bệnh BV Lão khoa T.Ư cho biết, thời điểm nhiệt độ thấp như hiện nay số bệnh nhân vào viện tăng lên.
Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh dễ dẫn đến viêm phổi. Trong khi đó, các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng tiến triển nặng. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên... Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200 mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.
Cũng theo khuyến cáo của BS. Lực, để phòng chống bệnh mùa lạnh cho người già cần phải đảm bảo đủ năng lượng, giữ ấm cho cơ thể. Chú ý mặc đủ ấm, ăn đủ để có sức khỏe chống chọi với nhiệt độ thấp. Với người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp cần khuyến cáo đảm bảo chế độ điều trị, người cao tuổi bị huyết áp hạn chế đi ra ngoài vào sáng sớm và tối. Vì lúc này nhiệt độ rất thấp, khi ra ngoài rét đột ngột, huyết áp thay đổi dễ gây đột quỵ…
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở y tế chống rét cho người bệnh Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện: nơi xếp hàng chờ khám, phòng khám bệnh, buồng điều trị, buồng kỹ thuật người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ nhiệt, sưởi ấm phù hợp. Nghiên cứu phương án phòng chống rét cho người nhà thăm nuôi người bệnh hợp lý, không để người nhà bệnh nhân ở lại thăm nuôi nằm dưới sàn nhà lạnh, hành lang gây nguy hại đến sức khoẻ... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận