Y tế

Rét đậm, người già ùn ùn nhập viện, làm gì để phòng tránh?

21/12/2020, 09:17

Rét hại, rét đậm kéo dài khiến người già ùn ùn nhập viện do các bệnh lý về hô hấp, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi và đột quỵ.

img

Bệnh nhân phủ kín giường điều trị tại BV Lão khoa TƯ

Rét kéo dài, tăng bệnh nhân cao tuổi đột quỵ

TS.BS. Trần Quang Thắng, Khoa cấp cứu & Đột quỵ, BV Lão khoa TƯ cho biết: Trong mấy ngày qua số bệnh nhân nhập viện tăng đột biến. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng bệnh nhân nhập viện phủ kín giường điều trị. Các bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nặng với bệnh lý phổ biến là phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, đột quỵ… trên các bệnh nhân vốn có bệnh nền mạn tính, nay thêm tác nhân thời tiết giá lạnh đã đổ bệnh.

BS. Thắng cho biết, mới đây khoa Cấp cứu & đột quỵ, BV Lão khoa TƯ đã cấp cứu 1 nam bệnh nhân 80 tuổi (Hà Nội) trong tình trạng liệt nửa người. Theo người nhà, bệnh nhân dù đã 80 tuổi nhưng vẫn tự đi lại được tuy nhiên có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường và tăng sinh tuyến tiền liệt. Hôm xảy ra đột quỵ, bệnh nhân dậy lúc nửa đêm đi ra nhà vệ sinh và ngã gục tại đó, gia đình nghe tiếng động đã kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu. Theo BS. Thắng, bệnh nhân vốn có bệnh nền lại gặp thời tiết lạnh nên khởi phát bệnh. Thời gian gần đây, đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tương tự.

“Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người cao tuổi, là do phần lớn bệnh nhân có đa bệnh lý, bao gồm các bệnh yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường. Khi gặp thời tiết lạnh cơ thể không giống người trẻ, khả năng thích ứng kém hơn, khiến huyết áp tăng vọt lên dẫn đến đột quỵ. Hoặc có bệnh nhân đái tháo đường do trời lạnh ảnh hưởng chế độ ăn, bệnh nhân ăn nhiều hơn làm đường máu tăng, gây biến chứng. Thời tiết lạnh chính là yếu tố thúc đẩy khiến tăng nặng các bệnh mạn tính, khiến nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi tăng lên”, BS. Thắng cho biết.

Còn tại Bệnh viện Hữu Nghị, Ths.BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, tại đây cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân cao tuổi, đa số mắc các bệnh đột quỵ, viêm phổi...

img

Một ca đột quỵ được cấp cứu

Cần làm gì để phòng đột quỵ ngày lạnh?

Theo BS. Thắng, trong thời tiết lạnh, người già cần chú ý các dấu hiệu nghi ngờ về bệnh tim mạch như: Đau thắt ngực, cảm giác khó chịu vùng ngực, khó thở, tức ngực, buồn nôn, nhức đầu… Đặc biệt là các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch não như: Đột ngột tê hay yếu một bên mặt, tay, chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…

BS. Thắng cũng khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh về tim mạch, hô hấp, đột quỵ hiệu quả trong thời tiết rét đậm như hiện nay, người già không nên ra ngoài trời lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay, mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi, ăn đủ bữa trong ngày.

Bên cạnh đó, với người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch cần tuân thủ điều trị tốt, tránh các biến chứng.

Đặc biệt, khi thấy người nhà có các biểu hiện đột quỵ như cười méo miệng, tay chân khó cử động, nói ngọng... người nhà cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện và tiến hành chữa trị đột quỵ sớm trong khoảng 6 giờ ngay sau khi xảy ra đột quỵ, tăng cơ hội phục hồi...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.