Với cấp mầm non, tiểu học, nhà trường có thể cho học sinh nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống. Học sinh THCS cũng sẽ được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C. |
Trước thông tin dự báo thời tiết, đợt rét đậm, rét hại kéo dài khoảng 5 ngày tới, nhiệt độ có thế xuống dưới 10 độ, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, bản tin dự báo thời tiết phát sóng khoảng 6h15 trong chương trình "Chào buổi sáng" của VTV1 sẽ là căn cứ để phụ huynh chủ động có kế hoạch cho con nghỉ học khi trời rét.
Với cấp mầm non, tiểu học, nhà trường có thể cho học sinh nghỉ khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống. Học sinh THCS cũng sẽ được nghỉ khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C.
Trong thời gian rét đậm, rét hại, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tăng cường kiểm tra, sửa chữa kịp thời phòng học, phòng chức năng, phòng ăn, phòng bán trú... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Trường mầm non phải có nước ấm, trường tổ chức bán trú phải đảm bảo đủ suất ăn, thực phẩm sạch, đồ ăn, nước uống nóng, chỗ nghỉ trưa ấm áp, chuẩn bị thuốc men phục vụ công tác y tế học đường.
Đồng thời, các trường không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời. Trường không được bắt học sinh mặc đồng phục trong những ngày giá rét, cần thông báo rõ quy định nghỉ rét tới tất cả học sinh, phụ huynh qua nhiều phương tiện, hướng dẫn cách tự học, ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ.
Trường hợp học sinh vẫn đến lớp, nhà trường phải bố trí vào một phòng để giữ ấm và quản lý cho đến khi phụ huynh đón về. Thời gian học của học sinh trong những những ngày rét đậm, rét hại có thể được điều chỉnh sao cho các em không phải đến trường quá sớm. Trường hợp đến muộn vì lý do thời tiết vẫn sẽ được vào lớp học.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, từ ngày 23/1, Bắc Bộ bắt đầu bước vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài 5 ngày, nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 10 độ, miền núi dưới 5 độ, khu vực núi cao dưới 0 độ C và xuất hiện băng, tuyết. Rét nhất là ngày 25 - 26/1, Hà Nội có thể chỉ 6 - 8 độ C.
Trước thông tin đợt rét được dự báo kỷ lục tại phía Bắc, Bộ trưởng GD&ĐT cũng đã có công điện đề nghị các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó tình huống do thời tiết rét đậm, rét hại, băng giá và mưa tuyết gây ra...
Trường hợp cần thiết có thể cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, các đơn vị kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường học để có giải pháp phù hợp, nhằm bảo vệ môi trường, cây xanh, khuôn viên trường học và đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh; Đặc biệt quan tâm tới các trường mầm non, mẫu giáo khu vực miền núi, khu vực đồng bào còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận