Trong bài viết độc quyền, hãng Reuters dẫn nguồn tin giấu tên thạo tin về Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) cho hay G7 và Australia đã thống nhất áp mức giá cố định với dầu mỏ Nga và sẽ được điều chỉnh thường xuyên. Các đối tác của G7 cũng đồng ý xem xét và điều chỉnh mức giá cố định này nếu cần thiết.
Nhiều nguồn tin cho hay quan chức G7 vẫn chưa thống nhất mức giá cố định ban đầu nhưng sẽ đưa ra quyết định trong những tuần tới.
Ngoại trưởng Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) tham gia phiên họp tại Đức ngày 3/11. Ảnh - Reuters
Chia sẻ với hãng tin Reuters, nguồn tin thứ 2 cho biết sở dĩ có việc áp giá trần vì giới chức G7 lo ngại nếu áp dụng cơ chế thả nổi giá dưới ngưỡng giá dầu thô Brent sẽ khiến Nga được hưởng lợi qua việc giảm nguồn cung.
Giá dầu mỏ Nga có thể tăng khi giá dầu Brent tăng đột biến do sản lượng dầu mỏ của Nga cung cấp ra thị trường sụt giảm. Moscow vốn là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ, sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Theo nguồn tin, điểm bất lợi của hệ thống giá này là đòi hỏi quan chức G7 phải thường xuyên xem xét, điều chỉnh lại.
Trong những tuần gần đây, giới chức G7 tăng cường thảo luận về kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023 đối với sản phẩm dầu mỏ của Nga, nhằm làm giảm doanh thu từ năng lượng của Nga nhưng vẫn hạn chế tác động tới thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Về phần mình, Nga cho biết sẽ từ chối bán dầu mỏ cho những quốc gia áp giá trần với sản phẩm năng lượng của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ, Đại sứ quán các quốc gia G7 và Australia chưa phản hồi trước thông tin trên.
Giới chức Mỹ và các quốc gia trong nhóm G7 đã tích cực thảo luận trong vài tuần qua về biện pháp chưa từng có đó là áp giá trần dầu vận chuyển qua đường biển của Nga, dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/12.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận