Thời sự Quốc tế

Reuters: Nga bắt đầu tháo máy bay này lấy phụ tùng lắp vào máy bay khác

Theo Reuters, các hãng hàng không Nga đang tháo dỡ máy bay để hoán đổi phụ tùng do không thể mua linh kiện nước ngoài vì các lệnh trừng phạt.

Nhiều máy bay đang được tháo dỡ phụ tùng

Trong bài viết độc quyền, hãng tin Reuters dẫn lời 4 nguồn tin, trong đó 1 nguồn tin giấu tên cho hay ít nhất 1 máy bay Sukhoi Superjet 100 do Nga sản xuất và một máy bay Airbus A350 của hãng hàng không Aeroflot (thuộc quyền quản lý của nhà nước Nga) đang được tháo dỡ. Theo nguồn tin, máy bay Airbus A350 hầu như vẫn còn mới.

Một nguồn tin khác cho biết hai máy bay Boeing 737 và Airbus A320 cũng của Aeroflot đang được tháo dỡ để lấy thiết bị cung cấp cho các máy bay Boeing 737 và Airbus A320 khác trong đội bay.

Bộ Giao thông Nga và hãng hàng không Aeroflot chưa phản hồi trước yêu cầu đưa ra bình luận của Reuters.

img

Máy bay Airbus A321-211 của hãng hàng không Nga Aeroflot tại sân bay Cointrin, Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 3. Ảnh - Reuters

Nguồn tin đầu tiên của hãng Reuters cho hay máy bay Sukhoi Superjet của Nga cũng phụ thuộc rất lớn vào các bộ phận mua từ nước ngoài. Một máy bay Superjet đã được tháo động cơ, lắp vào một chiếc Superjet khác để chiếc máy bay này có thể tiếp tục hoạt động.

Từ dữ liệu theo dõi chuyến bay của Flightradar24, Reuters cho biết 50 máy bay của Aeroflot (tương đương 15% đội bay) không cất cánh kể từ cuối tháng 7. Ba trong số 7 máy bay Airbus A350 của Aeroflot (tính cả chiếc máy bay được tháo dỡ để lấy phụ tùng) không cất cánh trong khoảng 3 tháng. Còn theo dữ liệu của Aeroflot, số lượng chuyến bay của công ty giảm 22% vào quý 2 năm nay so với năm 2021 sau khi EU đóng không phận với các hãng hàng không Nga.

Đối chiếu các nguồn dữ liệu đó, nguồn tin thứ 2 của Reuters cho rằng việc các hãng bay Nga hoạt động ít hơn đồng nghĩa sẽ có nhiều máy bay không sử dụng và có thể được tháo dỡ.

Biện pháp tháo dỡ máy bay lấy phụ tùng này được cho là phù hợp với hướng dẫn của Chính phủ Nga hồi tháng 6 về việc các hãng hàng không sử dụng bộ phận của một số máy bay để đảm bảo 2/3 máy bay sản xuất tại nước ngoài trong đội bay có thể duy trì hoạt động ít nhất tới năm 2025.

Lý giải nguyên nhân

Thông thường, biện pháp lấy bộ phận máy bay này để lắp vào máy bay khác hiếm khi được sử dụng và nếu có thực hiện là do khó khăn về tài chính. Các chuyên gia cũng nhận định các trường hợp lấy phụ tùng máy bay này lắp vào máy bay khác trước đây không có quy mô lớn như đợt xáo trộn tại các hãng hàng không Nga (nếu thông tin từ Reuters là chính xác).

Lý giải về khả năng này, theo Reuters, hầu hết các hãng hàng không Nga đều sử dụng máy bay do phương Tây sản xuất. Điển hình như Aeroflot, 80% phi đội của hãng là máy bay Boeing và Airbus. Tính tới cuối năm 2021, hãng có 134 máy bay Boeing và 146 máy bay Airbus cùng gần 80 máy bay Sukhoi Superjet-100 do Nga sản xuất.

Trong khi, các thế hệ máy bay mới như A320neo, A350, Boeing 737 MAX, Boeing 787 đều áp dụng công nghệ cần phải cập nhật thường xuyên.

Các nguồn tin trong ngành công nghiệp hàng không phương Tây cho rằng chỉ trong một năm kể từ khi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga có hiệu lực, Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động các máy bay phản lực hiện đại dù nước này có nền tảng kỹ thuật phát triển.

Trong kế hoạch phát triển tới năm 2030 của ngành công nghiệp hàng không Nga, đã có dự báo nước này có thể đối mặt nhiều thách thức trong bảo trì máy bay Airbus A350 và Bombardier Q vì công tác bảo trì các dòng máy bay này được thực hiện tại nước ngoài.

Ông Oleg Panteleev, Giám đốc tổ chức trong lĩnh vực hàng không Aviaport, cho rằng thách thức lớn nhất là duy trì hoạt động của động cơ và thiết bị điện tử phức tạp. Nga sẽ khó sửa chữa các bộ phận này do đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chưa kể, việc tìm nguồn cung linh kiện máy bay từ các quốc gia không áp lệnh trừng phạt với Nga sẽ không hiệu quả vì các công ty tại châu Á và Trung Đông lo sợ có thể bị trừng phạt thứ cấp bởi phương Tây.

“Mỗi bộ phận được đánh số riêng. Nếu trong tài liệu đề cập hãng hàng không Nga là người mua cuối, sẽ không có bên nào đồng ý cung cấp, kể cả các công ty ở Trung Quốc hay Dubai”, nguồn tin đầu tiên cho biết và nhấn mạnh trước khi được chuyển giao cho người mua cuối, bên bán phải thông báo về Boeing và Airbus.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt với lĩnh vực hàng không của Nga, ngăn các hãng hàng không Nga mua phụ tùng hoặc bảo trì máy bay tại châu Âu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.