Không hy vọng
Trong lá thư gửi tới những người đồng cấp thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) trước cuộc họp ngày 3/12, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha cho biết, việc NATO gửi lời mời Ukraine gia nhập khối sẽ phá tan một trong những lập luận chính của Nga khi phát động chiến dịch quân sự, cụ thể là ngăn cản Ukraine gia nhập liên minh.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy 32 thành viên NATO đồng thuận đưa ra quyết định, một số nhà ngoại giao giấu tên cho biết.
"Sẽ mất nhiều tuần và nhiều tháng để đạt được sự đồng thuận", nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho biết.
Thông tin này gần như làm tiêu tan hy vọng sẽ có "cú huých từ chính trị" dành cho Ukraine trong bối cảnh Kiev đang vật lộn trên chiến trường, chờ đợi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Reuters dẫn lời quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ cuộc họp sẽ tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine để nước này có thể ở vị thế mạnh nhất vào năm tới và tiến tới đàm phán.
"Cách tốt nhất để làm điều đó là tăng tiền, đạn dược và huy động nguồn lực", một quan chức giấu tên cho biết.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, với nỗ lực hỗ trợ Ukraine ở những tháng cuối cùng, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken công bố gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine trị giá 725 triệu USD.
Thời điểm chưa thích hợp?
Ukraine coi việc trở thành thành viên NATO là cách đảm bảo an ninh tốt nhất. Bởi theo Điều 5 trong hiệp ước phòng vệ chung của NATO, các thành viên đồng ý coi một cuộc tấn công vào một thành viên trong khối là tấn công vào tất cả các thành viên và sẽ hỗ trợ lẫn nhau.
Trong cuộc phỏng vấn với Sky News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chia sẻ, việc đưa lãnh thổ hiện do chính phủ Ukraine kiểm soát "dưới sự bảo trợ của NATO" sẽ ngăn chặn "giai đoạn nóng" của cuộc chiến.
Hiện nay, Ukraine đang đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt trên chiến trường khi quân đội Nga tiến về phía đông, liên tục không kích vào hệ thống lưới điện vốn đang gặp khó khăn của nước này.
Trong khi NATO nhiều lần tuyên bố Ukraine sẽ gia nhập khối và con đường gia nhập NATO của nước này là "không thể đảo ngược" nhưng họ vẫn chưa đưa ra lời mời hoặc đưa ra mốc thời gian cho tư cách thành viên.
Mọi quyết định trước hết đều phụ thuộc vào cường quốc chiếm ưu thế của NATO đó chính là Mỹ vì vậy đây sẽ là vấn đề ông Donald Trump phải giải quyết khi trở lại làm Tổng thống Mỹ vào tháng tới.
Ukraine cũng là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong những tuần gần đây giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người kế nhiệm Mike Waltz nhưng mức độ liên kết giữa chính quyền sắp mãn nhiệm và sắp nhậm chức hiện chưa rõ ràng.
Ông Trump từng chỉ trích quy mô viện trợ của Mỹ cho Kiev và tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh trong 24h nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về cách giải quyết xung đột.
Một số thành viên NATO, chẳng hạn như Hungary đã công khai lên tiếng phản đối việc Ukraine gia nhập liên minh. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, một số quốc gia khác cũng đã ra tín hiệu cho rằng thời điểm này chưa thích hợp, chẳng hạn như chính phủ Mỹ và Đức hiện tại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận