Anh Phạm Văn Hát bên “robot gieo hạt” do mình sáng chế. |
Trong tiếng ro ro của máy gieo hạt rau chính xác, sáng chế mới nhất, cũng là sinh kế của gia đình hiện nay, anh Phạm Văn Hát (xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết, đã có đối tác Singapore, Đức và Israel ngỏ lời muốn mua bản quyền để sản xuất hàng loạt, nhưng anh chưa đồng ý.
Nhiều giải thưởng cho “robot gieo hạt”
Chiếc máy được anh Hát gọi bằng cái tên sang trọng: “Robot gieo hạt”. Ý tưởng ra đời robot có từ cách đây hơn hai năm khi anh qua vùng trồng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Khi đó, nông dân dùng máy gieo hạt kéo tay nhưng hạt gieo vẫn không đều và mất nhiều công tỉa bớt.
Mất hơn một năm nghiên cứu, thử đi, thử lại nhiều lần, cuối cùng máy gieo hạt của anh Hát cũng được hoàn thiện. Năng suất của robot gieo hạt có thể tương đương 30 - 40 lao động và tiết kiệm đến 30% hạt giống. Rất nhiều nông dân trên cả nước đã đặt mua “robot gieo hạt” của anh. Đến nay, anh Hát đã bán được hơn 40 máy.
Robot gieo hạt cũng mang lại cho anh giải Nhất hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8” năm 2012 - 2013, giải Khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5” năm 2013 và giải Nhất cuộc thi “Nhà sáng chế” năm 2014, Huân chương Lao động hạng Ba tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV giai đoạn 2010 - 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tính đến thời điểm này, anh Hát đã sáng chế và cải tiến được 15 loại máy móc như: Máy cày hai lưỡi, bốn lưỡi, máy bỏ phân… Nhưng điều khiến anh Hát băn khoăn nhất là hiện các loại máy do anh sáng chế đã bị làm nhái. “Robot gieo hạt hiện bị nhiều người làm nhái. Thậm chí có đại lý đề nghị tôi làm rồi bán qua chỗ họ. Sau đó, họ mang máy của tôi đi đặt nơi khác làm nhưng lại bán dưới tên của tôi”, anh Hát bức xúc. Chính vì thế, anh phải liên tục cải tiến và có “bí quyết” khiến người khác khó có thể copy.
Từng chinh phục ông chủ Israel
Trước khi chiếc máy gieo hạt và những máy móc khác được sáng chế, cải tiến, anh Hát có hai năm xuất khẩu lao động sang Israel làm việc trong một trang trại rau sạch. Do đoàn lao động Việt Nam sang sau, nên bị phân công theo xe bốc phân gà rải bón cây. Cánh đồng rộng hàng trăm ha, các lao động khác được làm việc với máy móc hiện đại cùng hệ thống tưới nước nhỏ giọt… anh Hát liên tục phải đuổi theo xe chở phân đến mờ mắt, mỏi chân, người mệt lả. “Lúc đó, tôi nghĩ, tại sao họ có nhiều máy móc hiện đại thế mà công đoạn rải phân lại thủ công thế này”, anh Hát kể lại.
Năng suất của robot gieo hạt có thể tương đương 30 - 40 lao động và tiết kiệm đến 30% hạt giống. |
Sau đó, anh Hát quyết tâm đòi gặp ông chủ bằng được. Nhưng khi gặp ông chủ, anh Hát lại vướng rào cản ngôn ngữ nên chỉ biết chỉ vào cái máy kéo phân nói “not good”, rồi vạch vạch, vẽ vẽ trên nền đất, sau đó chỉ vào đó nói “good”. Dường như hiểu ý anh Hát muốn cải tiến cái máy kéo phân, nên ông chủ Israel đã mang giấy, bút và dụng cụ tới cho anh Hát thể hiện ý tưởng. Sau vài ngày thiết kế, ý tưởng của anh Hát được mang đi chế tạo.
Đến khi mang máy ra thử nghiệm, phân được rải đều mà không cần lao động thủ công đi kèm, tiết giảm được mấy chục nhân công khiến ông chủ Israel mừng rỡ. “Ông chủ xúc động tới cầm tay tôi. Ông ấy còn lấy bình sơn viết lên đó chữ “Máy của Hát”, anh Hát tự hào kể lại.
Anh Hát được ông chủ thưởng luôn 5.500 USD và cả máy tính, điện thoại. Nhưng điều khiến anh Hát ấn tượng là chiếc máy rải phân của anh sau đó đã được Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước đến tận cánh đồng nghiệm thu và cấp bằng sáng chế. “Sau đó, các nhà khoa học sẽ hoàn thiện chiếc máy để sản suất hàng loạt rồi bán lại cho nông dân hay các chủ trang trại khác với mức giá rẻ hơn”, anh Hát nói và hy vọng Việt Nam cũng có được chính sách như thế để không chỉ khuyến khích các nhà sáng chế mà còn giúp người dân mua được máy móc với giá rẻ để phục vụ sản xuất.
Anh Hát cho biết, hiện anh đã đăng ký và làm thủ tục lấy bằng sáng chế cho sản phẩm “robot gieo hạt”, nhưng đơn chờ 1,5 năm nay vẫn chưa nhận được bằng sáng chế độc quyền. Còn với các loại máy khác đã đăng ký thủ tục từ lâu theo hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ địa phương, nhưng quá phức tạp nên anh bỏ cuộc.
Chưa có ngân sách hỗ trợ “Nhà sáng chế chân đất” Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Ngân Sơn, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, người muốn lấy bằng sáng chế chỉ phải nộp hơn 1 triệu đồng. Khi được cấp bằng, người lấy bằng sẽ phải đóng thêm lệ phí cấp văn bằng và lệ phí đăng bạ quốc gia là mấy trăm nghìn nữa. Những năm tiếp theo sau khi nhận bằng, người sở hữu phải đóng phí duy trì mỗi năm một lần. “Tuy phí duy trì năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn ở mức rất thấp”, ông Sơn nói. Ông Sơn cũng cho biết, hiện nay, ngân sách T.Ư không hỗ trợ người làm khoa học trong việc làm thủ tục lấy bằng sáng chế mà tùy ngân sách của từng địa phương. Còn kinh phí sản xuất sản phẩm thì ngân sách cũng không thể hỗ trợ được. Trả lời về trường hợp của anh Phạm Văn Hát, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, anh Hát có thể liên hệ trực tiếp với bộ phận tiếp nhận đơn để được hướng dẫn hoặc liên hệ với ông Sơn, ông sẽ trực tiếp xem xét, kiểm tra quy trình xét duyệt của trường hợp này. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận