Mới đây, trong tua trực cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ bất ngờ tiếp nhận một trường hợp đặc biệt là bệnh nhân nam 20 tuổi, vào viện trong tình trạng chảy máu vùng dương vật.
Kiểm tra sơ bộ thấy có nhiều vết thương chằng chịt vùng dương vật, đặc biệt có vùng lóc da lớn, đang chảy máu. Nguyên nhân được xác định do chính người bệnh tự lấy kéo cắt "của quý".
Theo BS Đỗ Ích Định, bệnh nhân này là con thứ hai trong gia đình có hoàn cảnh éo le, từ nhỏ đã phát triển tâm thần vận động chậm hơn lứa tuổi. Bố cậu cũng là một người chậm chạp, mẹ hiện vỡ kế hoạch và đang nuôi con nhỏ. Chàng trai học hết lớp 9, hiện đang làm thêm công việc của thợ nhôm kính.
Ba năm trước, bệnh nhân đã được chẩn đoán rối loạn tâm thần phân liệt. Hiện tại, vẫn tiếp tục điều trị theo đơn ngoại trú, tuy nhiên chàng trai này vẫn thường xuyên có những hành vi làm hại bản thân.
Bác ruột đi cùng kể lại, "hễ cứ thấy nước là cháu nhảy xuống, bất kể ao hồ, sông suối hay chỉ là một vũng nước đọng lại sau cơn mưa. Có những ngày phải đi vớt từ dưới ao lên đến 5-7 lần". Tuy nhiên, đây là lần đầu nam thanh niên tự dùng dao kéo làm hại bản thân, khiến gia đình rất bối rối và đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Sau đánh giá tình trạng người bệnh, làm các xét nghiệm và hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần, ê-kip đã thực hiện phẫu thuật xử lý vết thương, bảo tồn dương vật. Trong quá trình chăm sóc hậu phẫu luôn được chú ý đặc biệt, theo dõi để bệnh nhân không làm tự hại bản thân. Sau khi ổn định, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện chuyên khoa tâm thần để theo dõi và điều trị tiếp.
Theo BS Định, trong y văn tại Việt Nam và trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp có hành vi cắt dương vật tương tự nam thanh niên này.
Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng, tiến triển mạn tính, bệnh nhân cuối cùng trở nên thui rút và xa tách cuộc sống thực tại. Hành vi tự sát hay tự làm hại ở người bệnh tâm thần phân liệt được giải thích bởi hoang tưởng, ảo giác chi phối.
Ngoài ra, ở giai đoạn ổn định, bệnh nhân có thể có trầm cảm đồng mắc và xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực dẫn tới ý nghĩ và hành vi tự sát.
Trong tâm thần, hành vi tự sát hoặc làm hại bản thân đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây chấn thương, mất chức năng hoặc tử vong. Trong số các rối loạn tâm thần, nhóm các rối loạn thường xuất hiện hành vi tự sát hoặc tự làm hại nhất theo thứ tự là trầm cảm, tâm thần phân liệt, lưỡng cực, lo âu và nghiện chất.
Nam giới có những hành vi này thường có xu hướng thực hiện một cách bạo lực, gây thương tích và tổn thương nặng nề. Dạng tổn thương này tuy hiếm gặp nhưng để lại hậu quả nặng nề đối với người bệnh và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Do vậy, bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tâm thần cần luôn được quan tâm theo dõi, chú ý trong các hoạt động hằng ngày để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận