Đời sống

Rốn lũ Hà Tĩnh: Tài sản "theo sông về với biển", mùa đông này đói rồi!

22/10/2020, 21:42

Sau những ngày mưa lũ, mọi tài sản có giá trị trong nhà của người dân rốn lũ Hà Tĩnh đều bị nước cuốn trôi, làm hư hỏng.

img
Cảnh tan hoang trong ngôi nhà của người dân xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên sau khi nước lũ rút

Mùa đông năm nay đói thật rồi!

Tính đến chiều 22/10, Hà Tĩnh đã có 1 ngày nắng nhưng một số vùng ở Cẩm Xuyên và Thạch Hà vẫn ngập sâu trong nước, có nơi vẫn ngập đến 1m. Sau 4 ngày ngâm nước, nay có nắng lên mùi bùn nước tanh tưởi trộn lẫn mùi rác, mùi xác động vật chết… tạo thành một mùi đặc trưng mang tên “mùi lụt”.

Ở những vùng nước rút cạn xăm xắp, người dân đã quay trở về dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đồ đạc. Thấy có người vào, bà Trương Thị Lan (thôn Phái Nam, xã Tân Lâm Hương) mếu máo “hư hỏng hết rồi, không còn chi nữa mô chú ơi!”.

Chỉ vào căn nhà cấp 4 đang ngổn ngang đồ đạc, bà Lan liệt kê: Máy giặt trôi sông, tủ lạnh gác lại trước cửa nhà, 40 con gà trôi gần hết, quần áo, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày ngâm nước ướt choẹt…

“Hiện tại cả gia đình 3 người vẫn đang sống nhờ cơm, mì tôm của các đoàn cứu trợ. Những ngày tới thì chưa biết làm thế nào cả…”, bà Lan bỏ dở câu nói.

Tuyến đường cái từ thành phố Hà Tĩnh lên hồ Kẻ Gỗ đang được bà con xã Tân Lâm Hương tận dụng để tranh thủ phơi tủ lạnh, quạt, chăn màn, quần áo và đặc biệt là lúa. Như để chứng minh sự tàn phá khủng khiếp của mưa lũ, anh Đặng Bá Sự (ở thôn Kí Các, xã Tân Lâm Hương) nắm tay dắt chúng tôi vào nhà.

Nước vẫn ngập ngang đầu gối nhưng vợ con anh tranh thủ dọn dẹp và cọ rửa đồ đạc, nhà cửa. Anh nói: Trận đại hồng thủy năm 2010 cũng ngập nhưng chưa là gì so với mưa lũ năm nay. Từ bài học năm 2010, vừa rồi anh kê các đồ đạc giá trị trong nhà lên cao hơn 1m. Nhưng nước ngập sâu quá, cuốn trôi và làm hư hỏng tất cả.

Vốc một nắm lúa đã ướt nhẹp đang phơi trên đường, anh Sự lo lắng: Ngâm nước 4 ngày rồi chú ơi! Xót của thì phơi thôi chứ không biết có dùng được nữa không hay lại cho gia súc gia cầm. Mùa đông năm nay đói thật rồi!

Tan hoang mọi thứ cũng là tình cảnh hiện nay của người dân xã Cẩm Vịnh, Cẩm Thành của huyện Cẩm Xuyên. Xót xa nhất là các gia đình phơi lúa ngâm nước với tâm niệm vớt được từng nào hay từng đó, phần hư hỏng thì cho gia súc, gia cầm ăn. Nhưng có rất nhiều gia đình vùng rốn lũ Hà Tĩnh hiện không còn gia súc, gia cầm để mà cho ăn. Tất cả đã “theo sông về với biển”.

Vừa xin được một ít bột giặt và mấy cái quần áo khô về mặc tạm, bà Trần Thị Xoan (ở thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh) cho biết: 1,5 tấn lúa dự trữ chìm trong biển nước, 110 con gà còn 10 con sống, 2 con lợn trôi 1 con. Anh Dương Văn Đức (ở thôn Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành) cũng cho hay: 20 con lợn trôi sông sạch, hơn 1 tấn lúa ngấm nước đang hư hại, nước trong nhà vẫn còn ngập ngang đầu gối.

Tối 22/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh cho biết: Hiện tại nhiều vùng ở Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu trong nước nên chưa kể thống kê đầy đủ thiệt hại do mưa lũ. Hiện tại, cơ quan chức năng đang tập trung chăm lo đời sống dân sinh cho người dân vùng lũ. Toàn tỉnh đã có 6 người tử vong trong thời gian xảy ra mưa lũ.

img
Người dân phơi lúa, đồ điện tử trong nhà với hi vọng vớt vát được chút đỉnh gì đó

Người dân vùng lũ cần gì?

Trong những ngày lăn lộn cùng bà con vùng rốn lũ Hà Tĩnh, chúng tôi đã gặp rất nhiều người, có cụ già 98 tuổi. Tất cả đều khẳng định, kể từ khi sinh ra cho tới nay, đây là lần đầu tiên họ thấy một trận lũ lớn như vậy. Thế nhưng trong khó khăn gian khổ, chúng tôi càng thấy sáng ngời tình nghĩa đồng bào sắc son.

Không xúc động sao được khi chứng kiến chiến sĩ công an vội quay ca nô, đạp lên dòng nước dữ để nhanh chóng đưa cháu bé mới 6 tháng tuổi đi cấp cứu. Cầm sao được nước mắt khi ngày 20/10 nhưng các mẹ, các chị trên cả nước thức trắng đêm gói bánh, gói gìò để khẩn trương tiếp tế cho miền Trung. Có mẹ già tóc đã bạc phơ, lưng đã còng nhưng khi thấy đoàn xe tiếp tế cũng lom khom bước ra gửi thùng mì vào cho đồng bào miền Trung ruột thịt. Hay như những câu chuyện nhường cơm sẻ áo giữa những người cùng chung cảnh ngộ giữa rốn lũ Cẩm Xuyên, Thạch Hà… kể sao hết được những tình cảm mà đồng bào cả nước dành cho miền Trung trong những ngày qua.

Nắng đã lên, lũ đang rút dần, người dân đã bắt đầu quay trở về nhà để lo toan cuộc sống mới. Những ngày tiếp theo, chắc chắn cuộc sống của người dân nơi đây sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Nhiều nhà hảo tâm, nhiều mạnh thường quân thắc mắc, giờ nên hỗ trợ bà con vùng lũ miền Trung cái gì?

Ông Nguyễn Quang Hùng (ở thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vinh) cho biết: Mưa lũ đã gây ngập toàn bộ dân cư ở xã Cẩm Vịnh, rất nhiều đồ đạc điện tử, điện lạnh như máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện, xe máy… bị hư hỏng. Ngoài lương thực, thực phẩm cần thiết như gạo, dầu ăn, nước mắm, bột giặt... thì người dân đang rất cần phụ tùng, thiết bị và thợ lành nghề để sớm sửa chữa, khắc phục đồ điện tử, điện lạnh trong nhà. Đây cũng là ý kiến của anh Đặng Bá Sự (ở thôn Kí Các, xã Tân Lâm Hương).

Anh Trịnh Đức Danh, Trưởng thôn Phái Nam, xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) nói: Nước lũ gây ngập lâu ngày khiến gia súc gia cầm chết rất nhiều. Để sớm ổn định cuộc sống, người dân cần giống vật nuôi; ngoài ra còn rất cần hóa chất để tẩy rửa và vệ sinh nhà cửa.

Thầy Đặng Quốc Hà, Phó Trưởng Phòng giáo dục huyện Cẩm Xuyên và cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Thạch Hà lại cho hay: Mưa lũ đã cuốn trôi và làm như hỏng rất nhiều sách vở, học sinh nơi đây đứng trước nguy cơ không có sách, vở để học. Ngoài cứu trợ các nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cuộc sống, cô trò vũng lũ đang rất cần lượng lớn sách vở để các em có thể sớm trở lại trường.

Ông Phạm Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên mong muốn: Về lâu dài, các nhà hảo tâm nên quan tâm đến việc hỗ trợ xuồng các loại và áo phao. Nếu được thì mỗi xã có 1 thuyền máy, mỗi thôn xóm có 1 - 2 xuồng nhựa composite. Người dân Hà Tĩnh năm nào cũng phải chạy lũ, nếu có xuồng và áo phao thì người dân sẽ an toàn, chủ động hơn trong công tác ứng phó với lũ; chính quyền địa phương cũng cơ động hơn trong công tác sơ tán dân….

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.