Tổ chức chạy tàu container liên vận quốc tế sang Trung Quốc, đi châu Âu và ngược lại - Ảnh: Ngô Vinh |
Giá cạnh tranh, thời gian chỉ một nửa
Ông Lê Quang Dân, Trưởng phòng Điều độ vận tải Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, dịp 30/4 vừa rồi, chỉ trong vòng 2 ngày kể từ khi nhận được đơn hàng, đơn vị đã kết nối và hoàn tất các thủ tục vận chuyển 10 container hàng điện tử từ Việt Nam đi Ba Lan bằng đường sắt. “Đây không phải là lô hàng đầu tiên vận chuyển container đa phương thức liên vận quốc tế (vận chuyển logistics). Chỉ tính từ giữa tháng 3 đến nay, công ty đã tổ chức vận chuyển logistics gần 400 tấn”, ông Dân nói.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, việc vận chuyển hàng liên vận từ đường sắt Việt Nam qua Trung Quốc đi các nước đã được tổ chức từ lâu. Tuy nhiên, chủ yếu là hàng liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc, sản lượng hàng đi nước thứ ba ít. Hiện, Việt Nam đang có hàng chè khô, dưa chuột muối xuất đi các nước Trung Á bằng đường sắt. Với giá cước 2 USD/kg, một container 16 tấn chè có cước 32 nghìn USD; 20 - 25 nghìn USD/container dưa chuột muối, đường sắt đã duy trì chuyên chở mặt hàng này nhiều năm nay đến các nước Trung Á vì giá khá cạnh tranh.
"Với chính sách “một hành lang, một con đường”, Trung Quốc tạo điều kiện rất tốt khuyến khích các doanh nghiệp dọc tuyến vận chuyển bằng đường sắt. Đồng thời, Trung Quốc cũng có cơ chế giá uyển chuyển hơn, thu hút nhiều mặt hàng hơn. Còn tại Kazakhstan, chính sách giá cước quá cảnh rất ưu đãi. Đây là hai quốc gia mà hàng liên vận đường sắt của Việt Nam quá cảnh để vào châu Âu. Vì vậy, nếu đường sắt VN có chính sách giá cước cạnh tranh và dịch vụ logistics tốt sẽ tăng được khối lượng vận chuyển hơn”. Ông Nguyễn Hoàng Thanh |
Cũng theo ông Thanh, riêng với vận chuyển container liên vận quốc tế (vận chuyển logistics) bắt đầu từ tháng 5/2017, Ratraco chính thức khai trương dịch vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng container từ Việt Nam đi Trung Quốc và quá cảnh Trung Quốc đi các nước thứ ba và ngược lại. Tháng 10/2017, Ratraco phối hợp với Tổng công ty Vận chuyển container đường sắt Trung Quốc tổ chức khai trương chuyến tàu chuyên container đầu tiên từ TP Nam Xương (tỉnh Giang Tây) về ga Liên vận quốc tế Yên Viên (Việt Nam). Sang tháng 11/2017, tiếp tục chạy tàu chuyên container xuất phát từ ga Nam Ninh Nam về ga Yên Viên với hành trình dưới 20 giờ.
“Tàu chạy cố định vào ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần. Sau thời gian ổn định sẽ tiến hành chạy hàng ngày giữa hai nước. Ưu điểm đoàn tàu này là giảm bớt thời gian dừng đỗ để làm thủ tục hải quan tại các ga biên giới”, ông Thanh nói.
Tìm hiểu của PV, các mặt hàng hiện nay xuất khẩu từ Việt Nam đi Trung Quốc và sang thị trường Nga, EU tập trung chủ yếu là hàng điện tử, dệt may, da giày và các nước Trung Á là hàng nông sản thực phẩm, đồ hộp… Đến thời điểm này, đường sắt VN có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất phát từ Việt Nam đi Trung Quốc, Nga, thị trường châu Âu như Ba Lan, Đức và các nước thuộc khối CIS với thời gian giảm khoảng 40% so với với vận chuyển bằng đường biển.
“Tuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakhstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được ví là “con đường tơ lụa” vì tiềm năng phát triển rất lớn. Lợi thế của vận tải đường sắt là vận tải khối lượng lớn, đi xa và an toàn. Đặc biệt, thời gian vận chuyển chỉ 18 - 20 ngày. Trong khi đó, nếu đi bằng đường biển mất 40 - 45 ngày. Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia Liên minh thuế quan Âu - Á với 90 hạn ngạch - 90 mặt hàng được giảm thuế là cơ hội lớn”, ông Thanh chia sẻ.
Vẫn còn nhiều cơ hội
Tại cuộc làm việc với Bộ GTVT gần đây, Phó thị trưởng TP Trùng Khánh (Trung Quốc) Lưu Quế Bình cho biết, hiện Trùng Khánh đang tham gia tuyến vận tải liên vận Trung Âu bằng đường sắt đi các nước, giá trị sản lượng chiếm đến 25% toàn tuyến. Hàng hóa trên tuyến cân bằng giữa cả chiều đi và chiều về do nhu cầu vận tải lớn.
Chính vì vậy, ông Bình đề nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Trùng Khánh để chính thức mở tuyến vận tải liên vận đường sắt Trùng Khánh - Bằng Tường - Đồng Đăng - Hà Nội với hành trình, phương tiện, thời gian, giá vận chuyển cụ thể, cố định. Từ đây, ngoài khai thác hàng hai chiều giữa hai bên, có thể thúc đẩy kết nối hàng đi châu Âu quá cảnh đường sắt Trung Quốc qua tuyến Trung Âu và ngược lại. Cùng đó, hai bên có thể xây dựng trung tâm logistics để kết nối vận chuyển đường sắt - đường bộ - cảng biển, hiện đại hóa công nghệ điều hành, khai thác chạy tàu tại ga, đầu tư kho, bãi hàng đáp ứng yêu cầu vận tải liên vận quốc tế…
Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tại Phiên họp lần thứ 33 Hội nghị Tổng giám đốc (đại diện phụ trách) đường sắt OSJD (Tổ chức hợp tác đường sắt) vừa diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại Đà Nẵng, đường sắt các nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tìm kiếm cơ hội và thúc đẩy vận chuyển logistics đường sắt liên vận giữa các nước. Trong đó, các bên đã thống nhất thủ tục pháp lý, kĩ thuật chuyên ngành, các tuyến, hành trình container mới.
“Cơ hội để phát triển logistics liên vận quốc tế rất lớn. Tuy nhiên, ngành Đường sắt VN còn thiếu kinh nghiệm, năng lực trong thực hiện vận chuyển logistics, thiếu container để vận chuyển liên vận. Việc đạt được những thỏa thuận này và những thỏa thuận đa bên, đặc biệt là chính sách giá cước sẽ giúp đường sắt Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, phát triển được vận chuyển logistics liên vận quốc tế”, ông Quốc Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận