Phát khóc vì học trực tuyến
Vừa vào đầu năm học nhưng gia đình chị Nguyễn Thu Huyền (Hà Đông, Hà Nội), mỗi ngày luôn trong tình trạng “trực chiến” để “canh mạng” vì có 2 con đều tham gia học trực tuyến.
Những ngày đầu năm học mới, tình trạng nghẽn mạng liên tục diễn ra gây ảnh hưởng chất lượng học trực tuyến
“Với cháu lớn do đã quen với học trực tuyến từ năm trước nên tôi luôn yêu cầu con phải dậy sớm, vào trước phòng học zoom ít nhất 30 phút để tránh nghẽn mạng. Còn với cháu nhỏ năm nay vào lớp 1 thì mình phải ngồi canh bên cạnh, lỡ có sự cố thì còn phải giúp con xử lý. Thế nhưng nhiều khi cả hai con đều bị out hoặc đường truyền trục trặc, cô nói trò không nghe thấy và ngược lại. Vậy là phụ huynh lại phải tất tả khởi động máy, trao đổi với giáo viên…, còn con thì cứ rối nhặng sợ không học kịp bài…”, chị Huyền tâm sự.
Không chỉ phụ huynh và học sinh, ngay cả giáo viên dạy online cũng vô cùng mệt mỏi. Cô N.T, giáo viên trường Tiểu học Phạm Tu (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Buổi học đầu tiên của năm học mới mà cả 3 mẹ con đều muốn khóc vì mẹ thì không dạy được mà con cũng không thể vào zoom vì mạng quá tải. Những ngày sau, dù đường truyền đã khá hơn nhưng hiện tượng học sinh bị out khỏi phòng học vẫn diễn ra…, mỗi lần như vậy mạch giảng lại bị đứt quãng, giờ học phải kéo dài khiến cô trò đều mệt mỏi”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để phục vụ học trực tuyến, đơn vị này đã cấp khoảng 40.000 tài khoản email @hanoiedu.vn cho giáo viên để phục vụ dạy học trực tuyến miễn phí, không giới hạn bằng Google Class và Zoom; giới thiệu ứng dụng Enetviet, Onmeeting của FPT cho các trường.
"Sở đang tham mưu với TP. Hà Nội để phối hợp với Truyền hình Hà Nội để dạy học trên tivi. Ngoài ra, các trường hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn các phần mềm phù hợp", ông Tiến cho biết.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, tình trạng nghẽn mạng đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng học trực tuyến.
“Hà Nội đã khuyến cáo các cơ sở giáo dục cần bố trí khung thời gian thích hợp để giảm mật độ truy cập cùng một thời điểm. Đặc biệt đối với cấp tiểu học nên bố trí ngoài giờ hành chính để cha mẹ học sinh có thể đồng hành cùng con.
Ngoài ra có thể linh hoạt chia nhỏ lớp học, kết hợp các hình thức khác nhau. Ví dụ gửi video bài giảng cùng với việc giao nhiệm vụ cho học sinh qua Zalo, email, các group trên Facebook.
Học sinh lớp bé có sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh để xem trước bài giảng, thực hiện các nhiệm vụ giáo viên giao. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian khi vào tiết học online. Từ đó có thể điều chỉnh thời gian của tiết học, khoảng nghỉ khác nhau giữa các tiết học giữa các khối lớp.
Các trường hợp học sinh đang khó khăn chưa vào được lớp học ảo thì bên cạnh việc tìm nguyên nhân khắc phục, giáo viên có các hình thức khác để gửi bài, giải đáp thắc mắc, sửa bài tập cho học sinh", ông Tiến nói.
Nhà mạng ưu tiên phục vụ dịch vụ học trực tuyến
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai việc học trực tuyến cho hàng chục triệu học sinh dẫn tới nhu cầu sử dụng internet cố định của các gia đình tăng lên đáng kể, mới đây, Bộ GD&ĐT cũng ra công văn đề nghị các nhà mạng hỗ trợ tăng cường băng thông cho các trường và gia đình.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Viettel cho biết, theo ghi nhận trên hệ thống của nhà mạng này, kể từ 6/9 tới nay, hướng truy cập đến các giải pháp học trực tuyến như Microsoft Team, Google Meet, Zoom... tăng mạnh so với thời điểm trước khai giảng. Mặt khác do ảnh hưởng từ 2 sự cố cáp quang biển diễn ra cùng lúc trên 2 tuyến cáp AAG và AAE-1 đã ảnh hưởng tới truy cập của khách hàng đến các trang web quốc tế.
Để khắc phục, Viettel đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến.
“Để đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập, giải trí của khách hàng trong thời gian giãn cách, Viettel đã tối ưu mạng lưới, bổ sung băng thông cần thiết, bố trí lực lượng ứng trực kỹ thuật 24/24h để kịp thời hỗ trợ đến từng doanh nghiệp, từng khách hàng khi gặp sự cố trong quá trình sử dụng.
Đến thời điểm này, hiện tượng chập chờn khi truy cập vào các ứng dụng học tập đã được khắc phục tối đa”, vị đại diện cho biết.
Cũng theo thống kê của Viettel, lượng khách hàng đăng ký mới/nâng cấp các gói cước internet cố định băng rộng từ đầu năm học có tăng nhẹ. Các gia đình phổ biến lựa chọn đăng ký mới/nâng cấp lên các gói cước có dung lượng khoảng 80MB (tương đương chi phí từ 180.000-200.000đ/tháng).
Với băng thông này, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng internet của các gia đình bao gồm việc học trực tuyến, giải trí và làm việc online.
Đối với các gia đình có diện tích rộng, nhiều phòng, Viettel khuyến nghị sử dụng bộ sản phẩm HomeWiFi (với chi phí từ 265.000đ/tháng) ứng dụng công nghệ Mesh, phủ sóng đến toàn bộ ngóc ngách trong căn nhà và mang lại trải nghiệm rất tốt.
Tương tự, đại diện VNPT cho biết, đơn vị này đang tiến hành đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến và tiếp tục lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển từ nay đến cuối năm 2021 để đảm bảo phục vụ nhu cầu học và làm việc online của khách hàng trong thời gian này.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố gói hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông chung tay cùng người dân vượt qua đại dịch Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông đã có gói hỗ trợ, khuyến mại tới 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ mọi người dân dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ, với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước.
Các hình thức hỗ trợ sẽ bao gồm: các doanh nghiệp Viettel, VNPT, CMC, Mobifone, Vietnamobile sẽ tiếp tục duy trì tăng gấp đôi băng thông với giá không đổi, SCTV giảm cước 25% cho dịch vụ Internet cáp quang nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với mức giá không đổi; giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7 hỗ trợ người dân có thể tiếp cận sử dụng dữ liệu với chi phí tiết kiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận