Đường vành đai 2 đang được triển khai thi công kéo dài từ đường Trường Chinh đến Minh Khai |
Triển khai cả trên cao và dưới thấp
Sáng 5/1, PV Báo Giao thông đã trực tiếp lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 đoạn từ nút giao Trường Chinh - Ngã Tư Sở đến nút giao Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy kéo dài hơn 20km, đang khẩn trương thi công cả dự án đường trên cao và mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng dưới thấp.
Theo thiết kế, đoạn tuyến vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở (phía đường Trường Chinh) với chiều dài gần 5,1km được khởi công từ tháng 4/2018. Ghi nhận của PV, sau khoảng 7 tháng triển khai, hiện hàng mố trụ phục vụ cho việc hình thành cầu chính (bề mặt 19m), có 3 vị trí lên xuống đã được xây dựng từ nút giao Trường Chinh - Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng và đang tiếp tục được thi công về hướng Ngã Tư Sở.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa yêu cầu nhà đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, Sở GTVT Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông linh hoạt, phù hợp với biện pháp thi công để đảm bảo an toàn thi công công trình, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc thi công phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. |
“Đây là dự án đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép trên đà giáo di động. Với công nghệ này, thay vì vận chuyển các tấm dầm bê tông bằng xe hạng nặng, nhà thầu sẽ đổ dầm trực tiếp trên đà giáo, giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn, thời gian thi công ngắn hơn so với biện pháp lao lắp dầm”, đại diện đơn vị thi công cho biết.
Còn đoạn tuyến đi dưới thấp có chiều dài trên 3km (điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng) cũng đang được triển khai đồng thời. Hiện, đoạn từ đầu cầu Vĩnh Tuy (phía Minh Khai) đến cầu Mai Động đã được mở rộng theo đúng thiết kế từ 53,5 - 63,5m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; vỉa hè mỗi bên rộng từ 4 - 6m. Cầu Mai Động cũng sẽ được xây dựng lại để mở rộng tương xứng với đường mới.
Do đang triển khai thi công, đoạn khu vực này thường xảy ra ùn tắc vào các giờ cao điểm sáng và chiều. Nhất là tại khu vực này có những tổ hợp chung cư rất lớn như: Times City - Park Hill với khoảng 10.000 căn hộ; dự án Hòa Bình Green City khoảng 1.400 căn hộ, chung cư Capital Garden 102 Trường Chinh khoảng 400 căn hộ đã đi vào hoạt động thời gian trước.
Cũng theo ghi nhận của PV, ngoài việc triển khai xây dựng các hạ tầng giao thông kiên cố, hiện đại để giảm ùn tắc, khu vực đường Láng - đoạn tuyến thuộc vành đai 2 cũng đang được Sở GTVT Hà Nội thực hiện nâng cấp bằng việc xén dải phân cách, mở rộng mặt đường, tăng khả năng thoát dòng phương tiện, giảm thiểu ách tắc giao thông trong nội thành. Hiện tại, đơn vị thi công đã tiến hành quây tôn và thi công từ đoạn cầu Cống Mọc đến nút giao Láng - Trần Duy Hưng cũng phần nào ảnh hưởng đến giao thông.
Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khung
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư hình thành một cách hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung. Cụ thể, thành phố đang và sẽ đầu tư cơ bản khép kín các tuyến đường vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5... Trong đó, bao gồm việc xây dựng các cầu vượt sông Hồng và sông Đuống như: Thượng Cát, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2)…
Theo ông Tuấn, đường vành đai 2 có tổng chiều dài lên tới 43,6km tạo thành một vòng cung khép kín bao quanh trung tâm Thủ đô Hà Nội. Giai đoạn trước năm 2018, trên tuyến này, Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để mở rộng, kết nối với cầu vượt.
Trong đó, năm 2010 đã khánh thành cầu Vĩnh Tuy, mở rộng phía dưới từ chân cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với chiều dài trên 5km. Năm 2016, tuyến vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Nhật Tân được đưa vào hoạt động với hai cầu vượt sông Hồng là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù. Tuyến đường Võ Chí Công được mở rộng từ 58 - 64m, mỗi bên 4 làn xe chạy và được thiết kế với hệ thống cây xanh nhiều tầng. Thời gian tới, Hà Nội sẽ xúc tiến tiếp tục triển khai dự án đường trên cao mở rộng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.
Liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường bằng từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng, ông Tuấn cho biết, đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng của Hà Nội. Sau khi hoàn thành, hệ thống đường trên cao xây mới kết hợp với đường đi dưới thấp được mở rộng sẽ giúp phân luồng và tăng khả năng lưu thông của các phương tiện từ phía Tây đến phía Nam và phía Đông”, ông Tuấn nói và cho biết, tuyến đường vành đai đi qua địa bàn 4 quận là: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 4.194 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Về công tác tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án, ông Tuấn cho biết, Sở GTVT Hà Nội đều có các phương án tổ chức giao thông, đảm bảo tiến độ thi công, ATGT cho các phương tiện lưu thông. “Sở GTVT vừa yêu cầu tháo dỡ đảo giao thông, mở rộng khả năng giao thông tại khu vực trung tâm nút Minh Khai - cầu Mai Động kết hợp di chuyển điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu phục vụ các hướng từ Minh Khai đi cầu Mai Động, Tam Trinh đi Kim Ngưu”, ông Tuấn nói.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, các hạng mục của dự án đều đảm bảo tiến độ. Đường Trường Chinh đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các hạng mục chính trên cao; hoàn thiện mặt đường mở rộng trên đường Minh Khai và đường tạm trên nhánh đường rẽ phải từ Minh Khai ra Kim Ngưu; Hoàn thiện hệ thống đường, vuốt nối êm thuận từ đường hiện trạng sang đường mới trên tuyến đường Minh Khai (đoạn Vĩnh Tuy - Mai Động) và đường Kim Ngưu (khu vực nút giao Minh Khai - Mai Động - Kim Ngưu) để chuẩn bị cho quá trình thi công đường trên cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận