Năm 2017-2018 sẽ thành lập doanh nghiệp đăng kiểm đường thủy và công trình biển (Trong ảnh: ĐKV kiểm tra thiết bị ra-da trên tàu biển) |
Tới đây, một số dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đăng kiểm mà cơ quan Nhà nước không cần trực tiếp thực hiện sẽ được giao cho các tổ chức ngoài Nhà nước làm. Cùng đó, cổ phần hóa hoặc thành lập các doanh nghiệp (DN) đăng kiểm để thu hút nguồn lực xã hội tham gia cung cấp dịch vụ cũng đang được các đơn vị rốt ráo triển khai.
Doanh nghiệp đảm nhận dịch vụ
Hoạt động đăng kiểm GTVT liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tàu biển, đường sắt, đường thủy và công trình dầu khí. Hầu hết các đơn vị trực tiếp thực hiện dịch vụ đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm VN hoặc Sở GTVT địa phương. Riêng lĩnh vực đăng kiểm ôtô có sự đa dạng hơn, gồm cả các đơn vị xã hội hóa hoặc thuộc DN Nhà nước.
Theo các chuyên gia, với mô hình tổ chức hiện nay đang tạo được mạng lưới đơn vị quản lý rộng khắp, nhưng lại khó phát huy hiệu quả chức năng quản lý do đồng thời thực hiện cả dịch vụ hành chính công đăng kiểm. Vì vậy, đề án “Tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm” được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phê duyệt mới đây tại Quyết định số 4202 sẽ tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ hành chính công.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (một trong những đơn vị tham mưu xây dựng đề án) cho biết, việc tách chức năng quản lý và cung cấp dịch vụ được thực hiện bằng cách giao cho DN ngoài Nhà nước thực hiện một số dịch vụ công mà cơ quan quản lý Nhà nước không cần trực tiếp thực hiện. Mà chỉ cần tập trung vào chức năng quản lý, ban hành quy định, tiêu chuẩn, kiểm tra, giám sát thực hiện và chấn chỉnh vi phạm… giúp nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý, tạo sự công khai, minh bạch.
Theo đề án, từ năm 2016 sẽ tổ chức sắp xếp lại các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc, chuyển đổi các trung tâm, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thành DN hoặc thành lập mới các DN trong lĩnh vực đường thủy, đường sắt. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, Cục Đăng kiểm VN thí điểm cổ phần hóa một đơn vị đăng kiểm ô tô, bàn giao các trung tâm đã xã hội hóa cơ sở vật chất cho các chủ đầu tư.
Đối với các trung tâm trực thuộc Sở GTVT địa phương, Bộ GTVT đề nghị các địa phương báo cáo Chính phủ cho phép cổ phần hóa trước 29 đơn vị ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong lĩnh vực đường sắt, giai đoạn 2017-2018 sẽ thành lập một DN đăng kiểm phương tiện đường sắt trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị đăng kiểm đường sắt và một bộ phận của Phòng Đường sắt (Cục Đăng kiểm VN). Bên cạnh đó, cũng thành lập một DN đăng kiểm phương tiện thủy và công trình dầu khí biển trên cơ sở sắp xếp lại các Chi cục Đăng kiểm và phòng chức năng thuộc Cục Đăng kiểm VN. UBND các tỉnh, thành phố hiện có các đơn vị đăng kiểm đường thủy cũng sắp xếp lại các đơn vị để thành lập DN. Sau khi sắp xếp lại, các đơn vị đăng kiểm sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, với nguồn thu từ phí hoặc giá dịch vụ kiểm định theo quy định của Bộ Tài chính.
Cũng xuất phát từ thực tiễn của vùng sâu, vùng xa, đề án để các đơn vị đăng kiểm phương tiện đường bộ, đường thủy khu vực gặp nhiều khó khăn tiếp tục hoạt động theo mô hình hiện nay.
Phân định rõ vai trò quản lý, giám sát
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện khá nhiều địa phương đã lên phương án cổ phần hóa trung tâm, đơn vị đăng kiểm ô tô trực thuộc Sở GTVT hoặc UBND cấp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đăng kiểm Quảng Ninh cho biết, theo yêu cầu của UBND tỉnh, tháng 3/2016, đơn vị sẽ trình phương án cổ phần hóa DN đối với ba trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, với phương án Nhà nước không nắm giữ cổ phần.
Cũng theo ông Đắc, khi các trung tâm đăng kiểm, DN đăng kiểm hoạt động không còn yếu tố Nhà nước và dựa trên nguồn thu từ giá đăng kiểm sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, đòi hỏi vai trò quản lý Nhà nước phải tốt hơn để tạo sự bình đẳng và đảm bảo chất lượng dịch vụ đăng kiểm.
Bản chất của giá dịch vụ là sát với giá thành. Như vậy, các DN sẽ cạnh tranh bằng chất lượng phục vụ, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, cũng như dịch vụ hậu đăng kiểm. Mặt khác, chi phí đăng kiểm không lớn nên khi đời sống cao, kinh tế phát triển, người ta sẽ quan tâm đến an toàn, đến chất lượng phương tiện nên sẽ lựa chọn những nơi làm tốt hơn, chứ không đơn thuần là giá rẻ thì đến”. Ông Vũ Anh Minh |
Cùng quan điểm, ông Mai Quốc Vinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 26-01S Sơn La cho biết, đơn vị đang được hướng dẫn phương án cổ phần hóa để trình UBND tỉnh vào quý I/2016. Ông Vinh cho rằng, sự khác nhau của đơn vị đăng kiểm sau khi chuyển sang DN cổ phần là không có sự ràng buộc về nghĩa vụ công chức, viên chức như hiện nay. Vì vậy, cần có phương thức quản lý phù hợp từ phía quản lý Nhà nước, chẳng hạn như phân công công chức, viên chức làm việc tại DN để đảm bảo chất lượng đăng kiểm.
Trước câu hỏi liệu có sự mâu thuẫn giữa vấn đề lợi nhuận và chất lượng an toàn kỹ thuật sau khi các đơn vị đăng kiểm hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và nguồn thu là giá dịch vụ, ông Vũ Anh Minh cho rằng không đáng lo ngại. Bởi khi chức năng quản lý Nhà nước được tách bạch sẽ phát huy vai trò, năng lực quản lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận