Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công |
Chủ tịch nước vừa có Lệnh công bố Bộ luật Hàng hải VN 2015. Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT đang rốt ráo chuẩn bị hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hướng dẫn để triển khai hiệu quả khi Bộ luật Hàng hải đi vào cuộc sống.
Chất lượng văn bản phải ưu tiên hàng đầu
Với vai trò là Bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Hàng hải như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa Thứ trưởng?
Bộ luật Hàng hải VN 2015 đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 tại Kỳ họp thứ 10 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố. Đây là Bộ luật Kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, được ban hành lần đầu vào năm 1990 và sửa đổi năm 2005. Lần này Bộ luật được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy kinh tế hàng hải phát triển trong giai đoạn mới của kinh tế đất nước.
Bộ luật Hàng hải VN 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017, gồm 20 chương, 341 điều, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý Nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển.
Căn cứ quy định của Bộ luật Hàng hải VN, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2016. Về cơ bản, hệ thống văn bản QPPL hướng dẫn thi hành Bộ luật sẽ được ban hành đảm bảo có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Bộ luật.
Đây là chương trình công tác rất lớn, đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch thật cụ thể, khoa học để phân bổ nguồn lực cán bộ và thời gian cho phù hợp để đạt chất lượng văn bản thật tốt và đáp ứng tiến độ. Theo kế hoạch của Bộ GTVT, cơ bản toàn bộ các dự thảo văn bản này sẽ phải được hoàn chỉnh trong năm 2016 để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và phải được ban hành chậm nhất giữa tháng 5/2017, để có hiệu lực thi hành vào 1/7/2017 cùng với thời điểm hiệu lực của Bộ luật. Bộ GTVT cũng đang triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hàng hải VN 2015, coi đây là công tác trọng tâm năm 2016.
Bộ luật Hàng hải VN 2015 khuyến khíchphát triển dịch vụ logistics cảng biển(Trong ảnh: Cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng) - Ảnh: A.Thanh |
Tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng, những văn bản QPPL nào là quan trọng nhất, Bộ GTVT đã có kế hoạch cụ thể gì để triển khai trên thực tế?
Các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành Bộ luật Hàng hải VN 2015 đều rất quan trọng, song chúng tôi đánh giá hiện có hai Nghị định là “Quy định niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển” và “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý và khai thác cảng” là văn bản quan trọng nhất, cần sớm ban hành để triển khai thực hiện.
Cùng với Lệnh công bố Bộ luật Hàng hải VN 2015 lần này, Chủ tịch nước cũng có Lệnh công bố Luật Phí và Lệ phí. Những quy định tại hai Luật này đang rất được các DN kinh doanh dịch vụ và chủ hàng Việt Nam quan tâm. Nghị định “Quy định niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển” Bộ GTVT xây dựng tới đây sẽ quy định cụ thể, chi tiết về yêu cầu công khai minh bạch giá cước và các khoản phụ thu. Giá dịch vụ là do thị trường quyết định, song quan trọng nhất là phải được các hãng tàu và đại lý công khai, minh bạch cho các chủ hàng, các DN xuất nhập khẩu được biết.
Nghị định “Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và khai thác cảng” là văn bản QPPL quy định rất mới và có tính chất đột phá thúc đẩy kinh tế hàng hải VN. Nghị định sẽ xây dựng một tổ chức có chức năng điều phối chung trong việc phát triển từng khu vực cảng, nhóm cảng, quản lý chung cả vùng nước cảng biển và vùng đất sau cảng để tạo sự thống nhất trong việc đầu tư, phát triển, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu vực hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ để giải quyết những bất cập hiện nay tại khu vực cảng biển. Bộ GTVT sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng tại khu vực Lạch Huyện (Hải Phòng).
Bộ luật Hàng hải VN lần này được đánh giá có nhiều đột phá, giúp đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho DN và người dân để đưa kinh tế biển Việt Nam lên vị trí số một. Vậy Bộ GTVT sẽ tổ chức cho triển khai áp dụng như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Tinh thần của Bộ luật Hàng hải VN 2015 là tạo ra những chính sách mạnh, đồng thời cải cách giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho DN và người dân, nhằm thúc đẩy sức mạnh đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hải.
Những quy định về quyền vận tải biển nội địa cho đội tàu VN; Khuyến khích phát triển logistics; Quy định về thuyền viên và thuyền bộ theo đúng Công ước về lao động Hàng hải (MLC 2006); Các quy định công khai minh bạch về đăng ký và mua bán tàu biển giúp hạn chế tổn thất và các trường hợp làm khó chủ tàu; Quy định về bỏ Hộ chiếu thuyền viên, bãi bỏ các thủ tục hành chính chấp thuận tên tàu biển, đặt tên cảng biển, bến cảng, khu nước; Sửa đổi bổ sung quy định về lai dắt tàu, hoa tiêu, phá dỡ tàu cũ... theo hướng rõ ràng, minh bạch, phù hợp với quy định quốc tế đang được các DN và người dân chờ đợi. Tất cả các điều này tới đây sẽ được Bộ GTVT quyết liệt triển khai để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận