Quản lý

Rốt ráo xử lý bất cập các trạm BOT chưa được thu phí

12/07/2022, 09:08

Kết quả rà soát trạm thu phí của 70 dự án BOT cho thấy, có 21 trạm thu phí có bất cập. Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư xử lý được 16/21 trạm...

Bộ GTVT và nhà đầu tư đang rốt ráo xử lý những bất cập tại các trạm BOT chưa được thu phí, tạo sự đồng thuận và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư dự án.

img

Thời gian qua, doanh thu bình quân tại trạm thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ đạt 8,4 - 9% so với phương án tài chính của dự án

Còn 4 trạm chưa được thu phí

Là 1 trong số các dự án BOT bị tồn đọng nhiều năm, dự án Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) do Tập đoàn Cienco 4 là nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng.

Theo hợp đồng, nhà đầu tư được thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và tại QL3 cũ chạy song song sau khi đã được cải tạo, nâng cấp.

Tuy nhiên, do gặp phải sự phản đối của người dân, nhiều năm nay, trạm trên QL3 phải dừng thu phí, nhà đầu tư chỉ thu phí được trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới từ đầu năm 2018.

Từ đó đến nay, doanh thu bình quân tại trạm chỉ đạt 8,4 - 9% so với phương án tài chính của dự án.

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho hay, doanh thu của dự án hiện không đủ để duy tu tuyến đường và trả lương nhân viên thu phí, chưa nói đến chi phí dành cho sửa chữa vừa và sửa chữa lớn hư hỏng mặt đường. Vì vậy, các hư hỏng này ngày một lớn, tiềm ẩn các nguy cơ mất ATGT.

“Cơ quan quản lý Nhà nước nhiều lần nhắc nhở nhưng chúng tôi không có tiền để sửa. Để giải quyết triệt để, Chính phủ cần xem xét mua lại dự án để dừng thu phí. Trường hợp tiếp tục thu phí, Nhà nước cần hỗ trợ một phần vốn cho doanh nghiệp với mức 50 - 70% tổng nguồn vốn dự án. Làm được việc này sẽ cứu doanh nghiệp và tạo môi trường thu hút đầu tư tốt đối với các nhà đầu tư tư nhân”, ông Thọ kiến nghị.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn khi trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài đặt không đúng vị trí, gây bức xúc dư luận.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thuộc dự án BOT xây dựng QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Để hoàn vốn dự án này, ngoài trạm thu phí trên QL2, nhà đầu tư được thu phí tại trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài từ ngày 1/11/2011 với thời hạn thu phí hơn 16 năm.

Doanh thu dự án chỉ đạt gần 40% so với phương án tài chính. Điều này lý giải vì sao tăng thời gian thu phí từ 16 năm lên 20 năm.

“Tổng cục đã kiến nghị Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư di dời vị trí đặt trạm thu phí về tuyến tránh Vĩnh Yên. Phương án đưa trạm lên tuyến tránh là tốt nhất, đồng thời tăng mức phí lên 20.000 - 25.000 đồng. Việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian thu phí của dự án. Một phương án nữa là trình Chính phủ dùng tiền ngân sách mua lại dự án”, ông Huyện nói.

Bộ GTVT cho biết, kết quả rà soát trạm thu phí của 70 dự án BOT cho thấy, có 21 trạm thu phí có bất cập. Bộ GTVT đã đàm phán với nhà đầu tư xử lý theo thẩm quyền được 16/21 trạm.

“Trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cũng đã thống nhất giải pháp xử lý phù hợp, chuẩn bị đưa vào vận hành thu phí trở lại nhưng có thể còn tiềm ẩn rủi ro. Còn lại 4 trạm, do tính chất đặc thù nên giải pháp xử lý bất cập liên quan đến một số nội dung chưa được pháp luật quy định cụ thể nên vượt thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT gồm: Trạm Bỉm Sơn (QL1, tỉnh Thanh Hóa); trạm Bờ Đậu (QL3, tỉnh Thái Nguyên); trạm La Sơn - Túy Loan (tỉnh Thừa Thiên - Huế); trạm T2 (QL91, TP Cần Thơ)”, Bộ GTVT thông tin.

Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra là do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé cho phương tiện nhóm 4, 5. Bên cạnh đó, chưa tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT.

Đồng thời, do hoàn cảnh thay đổi, không lường trước được như lưu lượng xe qua trạm ở một số tuyến thấp so với dự báo và việc hình thành các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí khiến phương tiện tránh trạm thu phí.

Cách nào xử lý?

Theo các quy định tại hợp đồng dự án BOT, trường hợp xảy ra tình huống bất khả kháng làm ảnh hưởng đến việc thu phí hoặc doanh thu thu phí, Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ cho nhà đầu tư đảm bảo việc thu hồi vốn, lợi nhuận theo hợp đồng và thanh toán, bồi thường các khoản chi phí do nhà đầu tư đã thực hiện, được xác định thông qua kiểm toán.

Đây là căn cứ để Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cách giải quyết triệt để những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT.

Đối với 4 trạm thu phí BOT còn tồn tại bất cập chưa được thu phí nêu trên, Bộ GTVT cho biết, tuy đã nghiên cứu nhiều giải pháp nhưng do tính chất đặc thù nên các giải pháp đều chưa thể xử lý.

Đánh giá về các giải pháp kiến nghị của Bộ GTVT, TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho rằng, đây là động thái cần thiết để “cứu” những doanh nghiệp BOT có nguy cơ phá sản. Mặc dù vậy, việc Nhà nước phải bỏ tiền ra để mua lại các trạm thu phí cũng là bài học về đầu tư theo hình thức BOT. Đây là bài học để các nhà đầu tư theo phương thức đối tác công - tư phải tính toán rất kỹ trong khi lập phương án tài chính, phải có những cam kết rất chặt chẽ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.


Để xử lý triệt để cần bố trí vốn Nhà nước nên vượt thẩm quyền của Bộ.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn Nhà nước thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhằm giải quyết 3/4 trạm thu phí (trạm Bỉm Sơn, trạm Bờ Đậu và trạm T2).

Đối với trạm La Sơn - Túy Loan kiến nghị bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác nhằm thay thế quyền thu phí.

Trong giai đoạn chờ xem xét, cho phép các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu khoản nợ, khoanh nhóm nợ đối với các khoản vay tín dụng tại các dự án này.

Đối với 3 dự án BOT phương án tài chính bị phá vỡ (2 dự án có doanh thu quá thấp là dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà; dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk) và 1 dự án không thể triển khai thu phí (dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi), Bộ GTVT kiến nghị cho phép sử dụng vốn Nhà nước thanh toán chi phí đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Liên quan đến vướng mắc về doanh thu, Bộ GTVT cho biết, đang chỉ đạo rà soát, đánh giá cụ thể điều kiện của từng dự án BOT và đề xuất lộ trình tăng phí phù hợp.

Việc này vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT nhưng không gây tác động nhiều đến chi phí vận chuyển hàng hóa và chính sách điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ quyết định theo thẩm quyền và sớm triển khai thực hiện.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu khoản nợ, khoanh nhóm nợ đối với một số khoản vay tín dụng đầu tư BOT có nguy cơ phát sinh nợ xấu do sụt giảm doanh thu.

Các địa phương khi đầu tư các dự án giao thông cần đánh giá kỹ tác động đến các dự án BOT và có giải pháp hạn chế việc phân lưu làm sụt giảm doanh thu dự án BOT.

Theo Bộ GTVT trong 54 dự án đang thu phí, 41/54 dự án có số thu thấp hơn so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, trong đó 19 dự án có mức thu đạt dưới 70%, cá biệt có 3 dự án có doanh thu chỉ đạt dưới 30% so với phương án tài chính, gây phá vỡ phương án tài chính gồm: Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam; dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk và dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.