Việc chưa có đường gom nên phải phân luồng cho xe máy đi vào đường cao tốc đã phát sinh nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ TNGT |
Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư và Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phân luồng giao thông hợp lý để khắc phục những bất cập trong khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo ATGT.
Đề xuất làm đường vuốt lên hai cầu cho xe máy đi qua
Theo Tổng cục Đường bộ VN, một số bất cập được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua là do tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chưa có đường gom đoạn Hà Nội - Bắc Ninh nhưng lại cấm xe máy đi vào tuyến, nhiều người dân bị xử phạt lỗi vào đường cấm. Trước đó, ngày 30/3, trước những bất cập trên tuyến, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai việc cắm biển dừng đỗ tạo điều kiện cho các phương tiện khai thác tuyến cố định có vị trí dừng đón, trả khách đúng quy định. Việc này theo Sở GTVT Bắc Ninh là để đảm bảo trật tự ATGT và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách.
"Bộ GTVT đã đồng ý về mặt chủ trương và cho nhà đầu tư nghiên cứu, lập phương án đề xuất đầu tư giai đoạn 2 theo hướng mở rộng cầu Xương Giang, Như Nguyệt và hệ thống đường gom đoạn Bắc Ninh. Khi làm đường gom có thể tận dụng đoạn đường của các khu công nghiệp dọc tuyến hoặc đi vòng qua các khu công nghiệp. Hiện, Ban QLDA 2 đang đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán giai đoạn 1 của dự án để cuối năm nay có thể hoàn thành làm cơ sở xây dựng phương án tài chính, triển khai giai đoạn 2. Khi làm được giai đoạn 2 mới có thể tháo gỡ các nút thắt hiện nay”. Ông Lê Minh Nam |
Cùng đó, dư luận cũng phản ánh, kể từ khi có đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang khiến, dân hai xã Đồng Sơn và Tân Liễu mất đường lên cầu qua sông. Những hộ dân ở gần đường cao tốc như: Khu vực Đồng Sau, xóm Chùa, xóm Sỏi, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) phải đi xa thêm hàng chục km sang cầu cũ để vào thành phố. Còn người dân xã Tân Liễu vốn đường giao thông đã khó khăn, đường qua sông lại càng khó khăn hơn.
Để giải quyết những bất cập trên, trong văn bản báo cáo Bộ GTVT mới đây, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo phương án tổ chức giao thông tạm duyệt, mô tô, xe gắn máy được phép lưu thông đúng chiều trên đường cao tốc đoạn Bắc Ninh và không được phép đi qua hai cầu Xương Giang, Như Nguyệt và địa phận Bắc Giang. Việc xử phạt chỉ thực hiện ở những khu vực có biển cấm mà phương tiện lưu thông trái phép.
Trong văn bản mới đây, Tổng cục Đường VN cũng đề xuất Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng đường vuốt từ đường gom đoạn Bắc Giang lên đầu cầu Xương Giang và Như Nguyệt tạo điều kiện cho người dân đi mô tô, xe gắn máy được đi lên cầu Xương Giang và Như Nguyệt trong khi chưa mở rộng được hai cầu này. Đối với vị trí chưa làm xong đường gom do vướng mặt bằng, nhà đầu tư cần có phương án đường tạm cho phương tiện lưu thông để đảm bảo giao thông. Bên cạnh đó cho phép bổ sung điểm dừng đỗ đón trả khách cho xe chạy tuyến cố định bằng cách mở vào trong đường gom.
“Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ đạo Cục QLĐB I phối hợp với Sở GTVT Bắc Ninh, Cục QLĐB cao tốc và nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất việc triển khai cắm biển dừng đón trả khách cho xe chạy tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Điều chỉnh phương án tổ chức giao thông linh hoạt đối với những vị trí công trình chưa hoàn thiện tạo thuận lợi cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ”, ông Huyện thông tin.
Đẩy nhanh làm đường gom
Để giao thông thông suốt trên đoạn tuyến nói trên, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai giai đoạn 2 của Dự án QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang bao gồm: Xây dựng đường gom, cầu vượt và mở rộng hai cầu chính Xương Giang và Như Nguyệt... Bên cạnh đó, căn cứ phương án tổ chức giao thông tạm, vẫn cho phép xe máy lưu thông trên đường cao tốc địa phận đoạn Bắc Ninh.
Về triển khai giai đoạn 2 của dự án, theo thông tin từ Ban PPP, Bộ GTVT đang yêu cầu nhà đầu tư tính toán phương án tài chính và xây dựng phương án đầu tư một số hạng mục công trình trong giai đoạn 2, trong đó có hệ thống đường gom.
Trao đổi với Báo Giao thông về phương án tổ chức giao thông trên tuyến, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó cục trưởng Cục QLĐB I (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, về lâu dài quan trọng nhất là phải có hệ thống đường gom. Trong trường hợp phân làn vào đường địa phương, phải có ý kiến thống nhất của địa phương.
“Chỉ khi có đường gom mới có thể phân luồng phương tiện một cách hợp lý và mới có thể tiến hành quy hoạch các điểm dừng đón trả khách để bảo đảm văn minh của một tuyến cao tốc và đảm bảo ATGT. Về nguyên tắc không thể dừng đón trả khách trên đường cao tốc”, ông Lâm nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận