Trung Quốc ủng hộ Nga bất chấp áp lực từ Mỹ
Theo nội dung điện đàm hãng tin RT đăng tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, với vị thế là hai cường quốc hàng đầu, Nga và Trung Quốc cần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác và phản ứng quyết liệt hơn với các thách thức toàn cầu.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cam kết: "Chúng tôi ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine bất chấp Mỹ và Liên minh châu Âu tiếp tục gây áp lực với phía Trung Quốc". Ông nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không thay đổi hay loại bỏ chính sách nhất quán về vấn đề này kể cả có bị đe dọa trừng phạt mạnh hơn.
Đồng thời, phía Bắc Kinh cũng cảm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Nga về vấn đề Đài Loan cùng những lợi ích quan trọng của Trung Quốc. "Là hai lực lượng quan trọng và chủ chốt hàng đầu trên thế giới, chúng tôi sẽ phản ứng quyết liệt trước những thách thức toàn cầu" – ông Đổng nói thêm.
Về phía Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cũng đồng tình với nhận định trên. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, không giống như các quốc gia phương Tây, Nga và Trung Quốc không xây dựng các khối quân sự và quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước không nhằm vào quốc gia thứ ba.
Ông Shoigu nhấn mạnh quan hệ Nga – Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự đang phát triển ngày càng mạnh trên tất cả các mặt và chúng tôi đang hướng đến hợp tác gần gũi, có hiệu quả với các đồng minh Trung Quốc.
Theo hãng tin RT, lâu nay Bắc Kinh chỉ trích việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng tại châu Âu đã gây ra khủng hoảng tại Ukraine; cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh sử dụng trừng phạt đơn phương làm công cụ gây áp lực địa chính trị.
Quan điểm này từ Trung Quốc khiến Washington tức giận chỉ trích Bắc Kinh ủng hộ tích cực Moscow hơn là duy trì trung lập.
Mở rộng vùng phi quân sự tại Ukraine để bảo vệ Nga
Về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, trong diễn biến mới nhất ngày 31/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này cần thiết lập một "vùng phi quân sự" rộng lớn ở Ukraine, đủ lớn để đảm bảo không một vũ khí tầm xa nào có thể tấn công các thành phố của Nga.
Kể từ khi nổ ra xung đột, các khu vực biên giới của Nga thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa cũng như pháo kích của quân đội Ukraine.
Một trong những cuộc tấn công nguy hiểm nhất diễn ra vào ngày 30/12 năm ngoái, khi lực lượng Ukraine tấn công thành phố biên giới Belgorod của Nga bằng nhiều bệ phóng tên lửa, trong đó có RM-70 Vampire - phiên bản nâng cấp từ hệ thống BM-21 Grad của Liên Xô. Vụ tấn công khiến 25 người thiệt mạng trong đó có nhiều trẻ em và nhiều người khác bị thương.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Đường ranh giới (phi quân sự) này phải… nằm cách lãnh thổ một khoảng cách đủ để có thể đảm bảo an ninh (của các thành phố của Nga)", đặc biệt là tránh khỏi tầm xa của các vũ khí do nước ngoài sản xuất được cung cấp cho Ukraine.
Khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã xác định hai mục tiêu chính là "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. Đến tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Putin đặc biệt đề cập đến việc thành lập một khu phi quân sự ở Ukraine với mục tiêu cao nhất là để quân đội Ukraine không thể "tiếp cận Nga".
Khi đó, nhà lãnh đạo Nga nói rằng khu vực này có thể được thành lập nếu lực lượng Ukraine tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào các thành phố của Nga.
Mỹ và các đồng minh đã tích cực cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hạng nặng trong suốt cuộc xung đột, từ lựu pháo và các loại pháo khác nhau cho đến nhiều bệ phóng tên lửa và hệ thống tên lửa. Danh sách các loại vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất mà Kiev sở hữu bao gồm tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất có tầm bắn 250 km và Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất có tầm bắn lên tới 160 km.
Đầu tuần này, tờ Politico đưa tin chính quyền Washington có thể cung cấp cho Kiev bom chính xác tầm xa GLSDB được thiết kế cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động (HIMARS), loại bom này cũng có tầm bắn khoảng 160 km.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận