Đại diện nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình, TP.HCM (bên phải) trao trả đồ bị cướp cho 2 du khách người Hàn Quốc - Ảnh: Đàm Huy |
Câu chuyện về 2 hiệp sĩ bị đâm chết đêm 13/5 khi bắt cướp ở TP.HCM thật đau lòng. Cái chết của các anh cao thượng nghĩa hiệp, nhưng cũng thật tức tưởi, để lại những cảm xúc day dứt trong mỗi chúng ta. Xã hội luôn rất cần những Lục Vân Tiên, dũng cảm ra tay giúp người khi thấy chuyện bất bình. Nhưng cũng không nên để rơi vào tình huống đánh đổi quá đắt, trong khi vẫn có thể có những phương cách khác hiệu quả và hợp lý hơn.
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự (2015), khi phát hiện người đang thực hiện tội phạm thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt, có quyền tước vũ khí, hung khí và giao ngay cho cơ quan công an. Như vậy, hành vi tấn công, bắt giữ băng trộm của nhóm hiệp sĩ là rất dũng cảm, hoàn toàn đúng pháp luật và đáng trân trọng.
Tuy nhiên, bắt quả tang người phạm tội là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân. Chính điều này đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải cân nhắc khi hành động, để bảo đảm an toàn tính mạng cho chính mình. Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga là người văn võ song toàn. Nếu không, làm sao thắng được bọn cướp.
Các hiệp sĩ ngày nay cũng vậy, để chiến thắng những tên cướp hung hãn, nguy hiểm, luôn có hung khí, thậm chí là súng và sẵn sàng liều mạng, chỉ nhờ vào lòng dũng cảm thôi là không đủ. Các anh phải giỏi võ nghệ, được trang bị công cụ hỗ trợ, bảo vệ. Ngoài ra, các anh cũng phải có dấu hiệu đặc trưng (chẳng hạn như áo, mũ...) thì người dân mới có thể nhận biết và ủng hộ, giúp sức cho các anh. Nếu không, các hiệp sĩ khi ra tay có thể bị người dân hiểu nhầm là hai nhóm giang hồ đánh nhau, từ đó gây thêm hậu quả khôn lường. Đây là một thực tế mà chúng ta không thể không thừa nhận.
Nói khác đi, nếu muốn các hiệp sĩ luôn chiến thắng và là nỗi khiếp sợ của bọn cướp, các anh phải là một tổ chức. Điều này đòi hỏi phải có sự huấn luyện, trang bị. Tức là phải được thành lập, tổ chức và hoạt động chính thức, hợp pháp. Nhưng nếu như vậy, thì rất dễ trùng lắp với vai trò của lực lượng dân phòng, tự vệ hay thậm chí là tổ chức thanh niên xung kích ở một vài địa phương.
Tôi tôn trọng và đề cao tinh thần trượng nghĩa của các hiệp sĩ, nhưng không ủng hộ việc thành lập những nhóm hiệp sĩ hoạt động tự phát, đơn thương độc mã, theo kiểu “ngoài vòng pháp luật” (xét về mặt quản lý Nhà nước). Xã hội luôn cần hiệp sĩ, nhưng không thể đánh đồng một cá nhân mang danh “hiệp sĩ” như một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ.
Trong cuộc sống, vẫn luôn có những người có tinh thần cống hiến, sẵn sàng xả thân hoàn toàn không vì mục đích vụ lợi, tiền bạc. Điều này rất đáng trân trọng và không có lý do gì để ngăn cản. Nhưng cũng xin hãy vì mình, vì người thân để giảm thiểu sự trả giá không đáng có.
Tôi không có ý làm giảm nhẹ ý nghĩa hành động của các hiệp sĩ. Nhưng giả sử trong trường hợp trên, thay vì tấn công, bắt giữ nhóm trộm, các hiệp sĩ có thể bao vây, ngăn cản, hô hoán, hoặc dùng điện thoại chụp ảnh đối tượng, bí mật đuổi theo, sau đó báo công an tới bắt... sẽ an toàn hơn. Và đây là những nghiệp vụ, phương thức cần được huấn luyện, hoàn toàn không nên và không thể là hành động bộc phát.
Luật sư Trần Hồng Phong
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận