Hồ sơ tài liệu

Rủi ro sẽ bủa vây công nhân ngoại dưới thời Donald Trump

25/11/2016, 08:12
image

Các nhà làm luật còn muốn đưa hết công việc sản xuất, lắp ráp thiết bị công nghệ từ nước ngoài về nước.

Nhiều thông tin cho rằng Apple có thể đưa

Nhiều thông tin cho rằng, Apple có thể đưa iPhonevề Mỹ sản xuất

Với quan điểm mang việc làm về cho người Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ có thay đổi về dòng chảy việc làm trong ngành công nghệ, vốn thuê nhân công nước ngoài đảm nhiệm công việc từ sản xuất, lắp ráp phụ tùng cho đến sáng tạo, thiết kế.

Quay xổ số để cấp visa cho công nhân ngoại nhập

Kể từ khi vận động tranh cử đến lúc đắc cử, tỷ phú Donald Trump nhiều lần đề cập tới chính sách thị thực (visa) cho kỹ thuật viên công nghệ (H-1B) nhưng với những tín hiệu không rõ ràng. Đôi lần, ông Trump chỉ trích chính sách này; nhưng cũng có lần cho rằng, đây là phương thức quan trọng để thu hút chất xám nước ngoài.

Ngày 23/11, Reuters dẫn lời Thượng nghị sĩ Jeff Session rằng, chương trình thị thực này có thể bị thay đổi dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng Chưởng lý mới. Hiện nay, chính sách thị thực H-1B cấp thị thực cho 85.000 công nhân nước ngoài. Ông Sessions đang tìm cách thu hẹp chương trình này. Năm ngoái ông này đã đề xuất dự luật nhằm hạn chế thị thực đối với các công ty thuê ngoài (outsourcing) quy mô lớn. Đây là những công ty cung cấp nhân viên hợp đồng nước ngoài cho các công ty Mỹ, chiếm phần lớn chỉ tiêu thị thực H-1B. Như vậy, “hàng nghìn công nhân Mỹ đang bị thay thế bằng lao động nước ngoài”, ông Sessions nhận định.

Một vấn đề khác, thị thực H-1B sẽ được chọn thông qua quay xổ số mỗi năm một lần do Cơ quan Xuất nhập cảnh và Quốc tịch thực hiện. Năm nay, các công ty đã nộp 236.000 đơn; trong khi chỉ tiêu 85.000 thị thực. Sau khi quay, mỗi công ty được cấp một số lượng visa và tự quyết định người nhận visa cụ thể. “Hệ thống cấp visa như hiện nay chỉ có lợi cho các công ty lớn, không có lợi cho cả công nhân Mỹ và người di cư”, anh Gaurav Mehta, 32 tuổi, đến từ New Delhi đã được nhận thị thực từ H-1B, hiện làm việc cho một công ty an ninh mạng tại San Francisco chia sẻ. Bởi, các công nhân sở hữu thị thực H-1B không dám chuyển việc vì lo sợ bị trục xuất và các nhà tuyển dụng nắm điểm yếu này ép nhân viên làm việc với mức lương thấp.

Do vậy, rất nhiều tổ chức như Viện Kỹ thuật viên Điện và Điện tử học - hiệp hội nghề nghiệp lớn nhất trong ngành công nghệ kêu gọi cải cách chương trình thị thực. Theo đó, họ muốn thay hình thức quay xổ số bằng hệ thống cấp visa cho những công ty trả lương cao nhất, ông Russ Harrison, Giám đốc quan hệ Chính phủ của tổ chức này cho biết. Phương pháp cải cách này sẽ ngăn chặn tình trạng các nhà tuyển dụng lợi dụng chương trình để thuê công nhân nước ngoài với mức lương thấp.

Đại diện của ông Donald Trump chưa có bình luận về những lời kêu gọi trên nhưng nhiều đồng minh của ông Trump dự kiến vị tỷ phú này sẽ tiếp tục giữ nguyên phần lớn chương trình visa. Ông Shalabh “Shalli” Kumar, doanh nhân người Chicago sinh ra tại Ấn Độ từng tài trợ 900.000 USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết: “Ông Trump từng nói, các lao động chất lượng cao nước ngoài là những con người tuyệt vời. Chỉ có điên rồ mới không giữ họ”.

Đưa iPhone về sản xuất tại Mỹ

Các nhà làm luật còn muốn đưa hết công việc sản xuất, lắp ráp thiết bị công nghệ từ nước ngoài về nước. Sở dĩ, giới công nghệ Mỹ đồn đoán khả năng này vì trước đây, ông Trump từng tuyên bố: “Chúng ta nên buộc Apple chế tạo, lắp ráp máy tính và các thiết bị khác tại nước Mỹ thay vì đưa ra các nước khác”. Đồng thời, ông đe dọa áp mức thuế lên tới 45% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và 35% cho doanh nghiệp sản xuất ở nước ngoài.

Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, theo tờ Nikkei (Nhật), Apple yêu cầu các đối tác sản xuất (cụ thể là hai công ty lắp ráp iPhone - Foxconn và Pegatron) nghiên cứu việc chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại iPhone về Mỹ. Foxconnn đang nghiên cứu khả năng này còn Pegatron bác bỏ vì lo ngại chi phí sản xuất tăng cao.

Tuy nhiên, đó chỉ là đồn đoán. Thực tế, trong chương trình 60 Minutes của Đài ABC, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết, công ty này sản xuất iPhones tại Trung Quốc vì “kỹ thuật tinh xảo” của lực lượng công nhân nước này, không phải vì mức lương thấp. Theo ông Cook, Trung Quốc có một lực lượng lớn tập trung vào sản xuất trong khi Mỹ không có nhiều. Mặt khác, một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp công nghệ Mỹ chia sẻ, Mỹ không có những “cụm nhà cung cấp” cần thiết cho việc sản xuất iPhone. Trong khi châu Á có Công ty TSMC (Đài Loan) chuyên sản xuất chip A cho iPhones; Công ty Sharp (Nhật) và Display (Nhật) cung cấp màn hình và SK Hynix (Hàn Quốc), Toshiba (Nhật) cung cấp chip.

“Dù Tổng thống đắc cử Trump có áp thuế 45%, vẫn có khả năng các nhà sản xuất quyết định tiếp tục sản xuất ở nước ngoài vì tổng chi phí sản xuất và thuế thấp hơn số tiền họ cần phải bỏ ra để xây dựng và điều hành các dây chuyền sản xuất tại Mỹ”, ông Cook nhận định. Nếu chi phí sản xuất bị đẩy tăng cao thì cuối cùng khách hàng của Apple sẽ là người “chịu trận”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.