Chuyện dọc đường

Rừng “chảy máu”, xe gỗ lậu "khủng" lọt chốt, ai chịu trách nhiệm?

24/05/2020, 20:00

Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: nếu không có sự làm ngơ, tiếp tay, liệu có xảy ra chuyện “đoàn voi chui lọt lỗ kim” hay không?

img
Tang vật trong vụ 5 xe gỗ lọt hàng loạt tầm kiểm soát an ninh biên giới ở Gia Lai - Kon Tum.

1. Mới đây, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử và tuyên phạt 10 bị cáo trong đường dây vận chuyển gỗ trái phép từ tỉnh Kon Tum về Gia Lai tiêu thụ. Vụ án xảy ra ngày 6/10/2016, nhưng phải mất tới gần 4 năm sau mới có thể xét xử nhóm lâm tặc này.

Bất ngờ hơn, vụ án chỉ được "gợi mở" khi Bộ Công an cử lực lượng trinh sát bắt nhóm đối tượng do Hùng “sida” tổ chức đánh bạc quy mô lớn vào năm 2019. Từ mắt xích Hùng “sida”, những đối tượng cầm đầu trong vụ vận chuyển gỗ trái phép trên đường biên giới năm 2016 mới dần hé lộ.

Quay lại câu chuyện ngày xảy ra vụ án, rạng sáng ngày 6/10/2016, có tới 5 xe tải chở trên 111m3 gỗ lậu đã vượt hành trình từ huyện Ia H'Drai (Kon Tum) đi qua Chốt kiểm soát đường bộ Sê San 4 để đưa gỗ về Gia Lai tiêu thụ.

Chốt này nằm trên trục đường độc đạo như một yết hầu mà bất cứ phương tiện giao thông nào cũng phải bị kiểm soát. Chốt có barie do các lực lượng canh giữ 24/24 kiểm soát gồm: Hạt kiểm lâm huyện, Công an huyện, Đội kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng số 3 thuộc Chi cục Kiểm lâm Kon Tum; Đồn Biên phòng 715, Bộ đội biên phòng Kon Tum và UBND xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (dân quân xã). Nhưng khi 5 xe gỗ khủng trên ngang qua thì barie ... đã mở sẵn từ trước!

Vụ việc vận chuyển gỗ trên hành trình dài có dấu hiệu liên quan và trách nhiệm trong công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát địa bàn của các Đồn biên phòng 703, 711, 715, 719 thuộc Bộ đội biên phòng hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Ngoài ra, đối với trách nhiệm trong công tác bảo vệ hiện trường, để các đối tượng lâm tặc tiếp cận đục số khung, số máy, tháo biển số nhưng không phát hiện, sau đó các lái xe điều khiển xe bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều cán bộ của lực lượng chức năng như: kiểm lâm, công an, lực lượng bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn hai huyện Ia H'Drai (Kon Tum) và huyện Ia Grai (Gia Lai) có dấu hiệu vi phạm.

Câu hỏi đặt ra là những người kể trên hàng ngày nhận tiền lương từ tiền thuế của nhân dân, họ phải có trách nhiệm đấu tranh với lâm tặc, ngăn rừng chảy máu. Nhưng rốt cuộc thì họ đã làm gì?

2. Tháng 4/2019, giữa cái nắng oi ả trên vùng đất biên giới ở huyện Đức Cơ (Gia Lai), chúng tôi đã có dịp vào đường tuần tra biên giới theo chân một đoàn công tác "đặc biệt".

Như mọi đường tuần tra biên giới khác, con đường bê tông xi măng được bảo vệ bởi lực lượng biên phòng rất cẩn mật. Những người lạ hoàn toàn có thể bị yêu cầu rời khỏi khu vực an ninh biên giới. Họ bị câu lưu kiểm tra giấy tờ tùy thân, bị xét hỏi khi vào khu vực này. Một quy trình nghiêm ngặt khép kín trên đường biên.

Bằng những mối quan hệ công việc, những người có trách nhiệm đã đưa chúng tôi "lọt" vào con đường tuần tra biên giới để tường tận những tan hoang nơi này. Dẫn chúng tôi men theo những con đường nhỏ xuyên qua vài trăm mét từ đường tuần tra biên giới, rừng phòng hộ Đức Cơ lộ nguyên diện mạo thực của mình.

Cảnh tượng những gốc cây to bị hạ sát dần dày đặc. Rừng trống trước tầm mắt. Thật khó để diễn tả cảm giác trước mắt là một khoảng đất mênh mông trơ trọi nhưng được giới thiệu là “rừng”.

Và cũng trong tháng 5/2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã công bố kết luận kết quả thanh tra khu rừng này. Theo đó, Rừng phòng hộ Đức Cơ theo thống kê có diện tích hơn 15.000 ha.

Kinh ngạc hơn, chỉ trong 5 năm (từ năm 2011- 2016) đã có 6.000 ha "biến mất". Và từ 2016 đến năm 2019, khu rừng này lại có thêm hơn 2.900 ha cũng chung số phận. Vụ việc sau đó, đã được chuyển sang cơ quan điều tra công an tỉnh Gia Lai, đến nay chưa có kết quả.

Chỉ nói riêng về câu chuyện đường biên giới hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, nơi có những quy trình kiểm tra người dân vào khu vực biên giới rất nghiêm ngặt. Vậy, việc rừng bị phá, gỗ chở ra khỏi cửa rừng và vận chuyển trên một chặng đường dài, không có lẽ không ai hay biết?

Ở phên dậu Tổ quốc, nơi có lực lượng chức năng ngày đêm canh giữ bảo vệ nhưng lại để xảy ra phá rừng, vận chuyển gỗ với quy mô "khủng" là điều khó có thể chấp nhận.

Và có một điều lạ nữa là dường như chính quyền, cơ quan chức năng chỉ vào cuộc sau khi báo chí phản ánh về một số vụ phá rừng.

Đơn cử như ngày 13/4 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chức năng và huyện Krông Pa tiến hành kiểm tra phá rừng tại xã Ia Dreh, huyện Krông Pa sau khi Báo Giao thông phản ánh.

Tiếp đó, chương trình thời sự lúc 19h ngày 28/4 của Đài Truyền hình Việt Nam đã phát phóng sự xâm nhập một vụ phá rừng quy mô lớn tại huyện Kon Rẫy, Kon Tum. Phóng sự ghi cận cảnh cưa xẻ gỗ tại khu vực rừng Kon Tum, trong đó có những cảnh quay hàng đoàn lâm tặc vận chuyển gỗ từ rừng ra ngoài. Đường đi gỗ lậu đến các doanh nghiệp sau đó được hợp thức hóa giấy tờ để tiêu thụ.

Ngày 29/4, tỉnh Kon Tum đã cấp tốc thành lập các đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng quy mô lớn sau khi có thông tin phản ánh của báo chí.

Giả sử nếu báo chí không vào cuộc điều tra, liệu chính quyền địa phương có biết, để rồi tức tốc ra văn bản chỉ đạo “tăng cường kiểm tra”, “yêu cầu xử lý nghiêm”...?

Và dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: nếu không có sự làm ngơ, tiếp tay, liệu có xảy ra chuyện “đoàn voi chui lọt lỗ kim” hay không?

Ngày 21/5, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 10 bị can trong đường dây vận chuyển 5 xe gỗ lậu ở khu vực biên giới Kon Tum về tỉnh Gia Lai tiêu thụ. 10 bị can bị xét xử cùng tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Hội đồng xét xử đã tuyên án Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng sida, 36 tuổi) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hữu Thuộc (Hậu lác, 39 tuổi) 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Mạnh Tuấn (Tuấn chè, 39 tuổi) 5 năm tù; Đào Đình Kha (41 tuổi) 4 năm tù; Đinh Lê Lai (36 tuổi) 3 năm 6 tháng. Các bị cáo Lê Trung Nguyên 36 tuổi), Nguyễn Minh Đức (40 tuổi), Lê Minh Đức (34 tuổi), Hoàng Minh Hiếu (39 tuổi, tất cả cùng ngụ Gia Lai) mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng tù. Dương Thiếu Hạ (32 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) 2 năm tù cùng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.