Vạt rừng trơ trọi mà phía quận Sơn Trà cho rằng chỉ là hoạt động phát quang cây bụi, dây leo. Ảnh: Greenviet |
Chỉ là phát quang cây bụi (!?)
Sáng 27/2, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, địa phương đã có báo cáo lên thành phố “giải trình” việc rừng Sơn Trà bị chặt phá. Trong báo cáo, phía quận không thừa nhận tình trạng rừng Sơn Trà bị tàn phá ảnh hướng đến môi trường sống của Voọc chà vá chân nâu mà cho rằng đây là hoạt động phát quang dây leo, bụi rậm.
Báo cáo nêu rõ, ngay khi nhận được phản ánh của cá nhân có nickname Tuan Greenviet trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, trưa ngày 24/2, quận Sơn Trà đã chỉ đạo UBND phường Thọ Quang cùng các cơ quan chức năng liên hệ, làm việc với cá nhân và cơ quan của người đăng tin (thuộc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - Greenviet) để nắm thông tin và đi kiểm tra thực tế tại hiện trường. Đoàn đi đến 17h30 trời chuyển tối, địa hình khó khăn nên phải tạm dừng.
Sáng 25/2, UBND quận giao cho Phường Thọ Quang cùng Đội kiểm tra Quy tắc đô thị và các đơn vị chuyên môn tiếp tục đến hiện trường. Qua kiểm tra cho thấy, 2 trường hợp được cho có hành vi phá rừng thuộc diện nhận giao khoán đất trồng rừng.
Trong đó, ông Phan Hùng Mạnh (trú phường Thọ Quang) được giao khoán đất trồng rừng tại Tiểu khu 64 từ ngày 20/10/1997. Ông Mạnh có phát quang cây bụi, dây leo từ khu vực suối Om về phía Bắc, chiều dài 200m, chiều sâu từ 20-30m, có tập kết 1 số cây giống là xoài và mít để chuẩn bị trồng.
Ông Nguyễn Văn Tâm (trú phường Thọ Quang) được giao khoán 7 ha đất trồng rừng tại tiểu khu 62 từ ngày 20/10/1998. Ông Tâm đã ủy quyền cho ông Lê Việt Hồng (trú phường Thọ Quang) sử dụng 1,5/7 ha rừng của mình vào ngày 6/2/22016.
Sau khi được ủy quyền, ông Hồng phát quang cây bụi, dây leo, xây dựng lán trại và mở đường với chiều dài khoảng 300m, nơi rộng nhất 2,5m từ đường bêtông đến khu vực lán trại.
Lực lượng chức năng của quận và phường đã lập biên bản, tổ chức tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép của ông Lê Việt Hồng. Đến trưa cùng ngày đã hoàn thành việc tháo dỡ lán trại.
Đường vào lán trại của ông Hồng được làm bằng cách... "phát quang dây leo, bụi rậm". Ảnh: Greenviet. |
Buộc trồng lại cây
Tại buổi làm việc với UBND phường Thọ Quang chiều 25/2, ông Hồng và ông Mạnh được yêu cầu dừng ngay việc phát rừng, vận chuyển vật dụng dùng để làm lán trại ra khỏi khu vực đất trồng rừng trước 17h00 ngày 27/2. Hai người này có trách nhiệm khắc phục bằng cách trồng cây theo quy định và hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm bắt đầu từ đầu đường bêtông đến lán trại. Thời gian hoàn thành đến hết ngày 10/3.
Nếu ông Hồng và ông Tâm không thực hiện, phường Thọ Quang sẽ tham mưu quận Sơn Trà thu hồi hợp đồng giao khoán đất đối với hộ ông Nguyễn Văn âm. Đối với các lao động làm thuê cho ông Hồng, giao Trưởng Công an phường Thọ Quang xử lý theo quy định của Luật cư trú.
Trường hợp ông Mạnh có xuất trình Đơn xin trồng cây, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng, đơn này UBND phường Thọ Quang đã chuyển cho Hạt kiểm lâm xử lý, hướng dẫn hộ dân thực hiện.
Lực lượng chức năng đã yêu cầu ông Mạnh dừng ngay việc phát quang và trồng cây tại khu vực này, đồng thời liên hệ với Hạt kiểm lâm để được hướng dẫn việc trồng cây theo đúng quy định.
Với báo cáo trên, có thể thấy phía quận Sơn Trà không đồng ý với ý kiến rừng Sơn Trà đã bị tàn phá mà cho rằng chỉ là phát quang cây bụi, dây leo (!?).
Trước đó, trên mạng Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, thành viên có tên Tuan Greenviet đăng tải hàng loạt hình ảnh, clip ghi lại cảnh rừng Sơn Trà bị tàn phá nghiêm trọng. Đáng nói hơn, rừng Sơn Trà là nơi sinh sống của Voọc chà vá chân nâu, loài động vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với cánh rừng đã trơ trọi, loài Voọc này đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng không gian sống, sinh trưởng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận