Phần lớn vốn đầu tư công đang được đi vay, phải trả lãi. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của cả nước chỉ đạt 45,17%, trong đó Bộ GTVT mới đạt gần 30%.
Kỳ 1: Tiến độ thần tốc, giải ngân vốn cao tốc Bắc - Nam vẫn thấp
Chỉ tính riêng các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam còn đang tồn đọng hơn 6.000 tỷ đồng. Theo các cơ quan chức năng, số vốn tồn đọng này chiếm phần lớn vốn giải ngân thấp của ngành GTVT thời gian qua.
Mất 24 - 25 tháng để hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án mới
So với các năm trước, cùng thời điểm này, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 50 - 60% kế hoạch, nên con số gần 30% trong 9 tháng đầu năm 2019 là quá thấp. Thời hạn giải ngân vốn năm 2019 sẽ kết thúc vào 31/1/2020, trong khi số tiền còn lại phải tiêu khoảng 19.000 tỷ đồng sẽ là thách thức không nhỏ đối với các chủ đầu tư, Ban QLDA của Bộ GTVT.
Để làm rõ thực trạng này, PV Báo Giao thông gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, những người trong cuộc đều cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên chủ yếu đến từ phần vốn bố trí cho GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam (7.062/26.722 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng kế hoạch vốn đã được giao 2019 của Bộ GTVT) đang tồn đọng do chưa thể giải ngân được trong 9 tháng đầu năm.
Đây là điều khác biệt so với các năm trước, khi vốn kế hoạch chủ yếu giao cho những dự án đang triển khai thi công, chỉ cần có khối lượng là giải ngân được ngay, còn 11 dự án cao tốc Bắc - Nam hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu là thiết kế kỹ thuật và GPMB và phải trải qua quy trình rất nghiêm ngặt với “rừng” trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công và các nghị định liên quan mới có thể giải ngân.
Bởi theo quy định Luật Đầu công và Nghị định 77/2015 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, một dự án chỉ được bố trí vốn kế hoạch đầu tư hàng năm khi dự án đó có trong danh mục đầu tư công trung hạn và dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư. Dự án khởi công mới chỉ được bố trí vốn sau khi đã hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của Chính phủ.
Đại diện Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, khi xây dựng nhu cầu kế hoạch năm 2019 (từ cuối năm 2018), Bộ GTVT dự kiến nguồn vốn cho các dự án dự kiến khởi công mới, trong đó vốn cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam là 7.062 tỷ đồng. Tuy nhiên, để giải ngân được số vốn đã đăng ký, các dự án cao tốc Bắc - Nam phải trải qua quy trình rất chặt chẽ với rất nhiều trình tự, thủ tục.
“Đây là các dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư, thực hiện đầu tư liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc thẩm định nguồn vốn, thẩm định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB, xây dựng phương án tài chính cho các dự án PPP… nên chỉ cần chậm trễ, vướng mắc ở một khâu trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư, GPMB sẽ dẫn tới việc không thực hiện được kế hoạch đã đề ra”, đại diện Vụ KH-ĐT cho biết.
Dẫn chứng cụ thể, đại diện Vụ KH-ĐT cho biết, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017. Theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các dự án cần khoảng 24 - 25 tháng để hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Trong đó, thời gian thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng 3 tháng; thời gian đấu thầu tư vấn nghiên cứu lập dự án, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB để làm cơ sở phê duyệt dự án đầu tư khoảng 9 tháng và thời gian đấu thầu tư vấn lập thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu xây lắp khoảng 13 tháng.
“Riêng thời gian để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Luật Đất đai, từ khi có chủ trương đầu tư tới khi bàn giao mặt bằng cần tối thiểu khoảng 13 - 14 tháng”, đại diện Vụ KH-ĐT nói.
Tuy nhiên, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt để phê duyệt được các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu. Trong đó, dự án được phê duyệt sớm nhất vào tháng 6/2018 và dự án muộn nhất trong tháng 10/2018 làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ, cọc mốc bàn giao cho địa phương triển khai ngay công tác GPMB từ tháng 4/2019. Dự kiến, 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) sẽ khởi công xây dựng cơ bản các gói thầu từ nay tới cuối năm 2019, riêng phần cầu chính Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công đầu năm 2020. Còn lại, 8 dự án PPP vẫn đang tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.
“Phần lớn kế hoạch vốn đầu tư công bố trí cho công tác GPMB của dự án này sẽ chỉ giải ngân được nếu các địa phương hoàn thành phê duyệt phương án, chi trả đền bù; phần kinh phí xây lắp cho 3 dự án đầu tư công đảm bảo giải ngân hết theo kế hoạch”, đại diện Vụ KH-ĐT nói và cho biết, trong tổng số 7.062 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2019 giao cho 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, đến nay đã giải ngân được khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Vượt “rừng” thủ tục, dồn lực giải ngân vào cuối năm
Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, năm 2019, đơn vị được giao giải ngân 1.800 tỷ đồng cho hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết. Trong đó, riêng phần vốn bố trí cho công tác GPMB của hai dự án này lên tới 1.600 tỷ đồng, còn lại 200 tỷ đồng chi trả cho công tác thiết kế, rà phá bom mìn,… “Tính đến nay, số vốn giải ngân cho công tác GPMB của hai dự án do các địa phương làm chủ đầu tư mới được khoảng 180 tỷ đồng, đạt khoảng 10% kế hoạch”, ông Sơn nói và cho biết, để giải ngân vốn GPMB, phải trải qua rất nhiều thủ tục, trình tự phức tạp theo quy định của pháp luật, không phải cứ giao vốn là giải ngân được ngay.
Ông Sơn dẫn chứng, Ban QLDA Thăng Long bàn giao toàn bộ cọc GPMB của hai dự án cho chính quyền các địa phương để triển khai công tác đền bù GPMB từ tháng 4/2019. Sau khi nhận cọc, các địa phương mới bắt đầu lựa chọn tư vấn đo đạc, giải thửa. Đối với những gói thầu có giá trị trên 500 triệu đồng, theo quy định phải tổ chức đấu thầu tư vấn, thời gian mất khoảng 1 tháng.
Tư vấn được lựa chọn sẽ tiến hành đo đạc và đưa ra số liệu để trình chủ đầu tư phê duyệt tổng diện tích cần đền bù GPMB. Tiếp đến, chính quyền địa phương tiến hành kiểm đếm chi tiết diện tích mặt bằng, công đoạn này mất khoảng 1 - 2 tháng. Khi có số liệu chi tiết, UBND xã sẽ thẩm định hồ sơ lần đầu rồi chuyển lên huyện thẩm định lại lần nữa và thuê tư vấn độc lập để thẩm định giá đất. Sau đó địa phương sẽ áp giá và niêm yết công khai trong thời gian 22 ngày làm việc để người dân trên địa bàn nắm được. Trong trường hợp không có khiếu kiện, khiếu nại, chủ đầu tư mới ban hành quyết định phê duyệt dự án đền bù GPMB và chi trả tiền cho các hộ dân.
“Thông thường, đối với một dự án giao thông quy mô lớn, từ lúc địa phương nhận bàn giao cọc GPMB đến thời điểm triển khai chi trả tiền đền bù cho người dân mất khoảng gần 1 năm. Riêng hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây chỉ mất khoảng 7 tháng, các địa phương đã giải ngân được một phần khối lượng đền bù GPMB là quá nhanh”, ông Sơn đánh giá và cho biết, đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn tất cả thủ tục và chuẩn bị đồng loạt chi trả tiền đền bù cho người dân trong 3 tháng cuối năm 2019. “Chúng tôi đang cố gắng giải ngân toàn bộ 1.800 tỷ đồng vốn hai cao tốc trong năm nay”, ông Sơn nói.
Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA6) cũng chia sẻ, trong tổng số 960 tỷ đồng vốn kế hoạch 2019 giao cho hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt từ tháng 4/2019, đến nay mới giải ngân được khoảng 90 tỷ đồng. Ban QLDA6 đã chuyển giao cọc GPMB từ cuối tháng 5/2019 và chuyển vốn cho các địa phương Thanh Hóa (80 tỷ đồng), Nghệ An (660 tỷ đồng) và Hà Tĩnh (50 tỷ đồng).
“Hai dự án này chậm giải ngân trong những tháng đầu năm do các địa phương phải đấu thầu lựa chọn tư vấn đo đạc giải thửa, lập quy hoạch khu tái định cư, xác định giá đất… theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Đến nay, qua 7 tháng bàn giao cọc GPMB, các địa phương đã bắt đầu chi trả tiền GPMB cho các hộ dân, tốc độ như vậy là nhanh so với nhiều dự án khác. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, các địa phương sẽ giải ngân được toàn bộ phần vốn đã bố trí cho GPMB trong năm 2019 của hai dự án cao tốc này”, ông Thịnh nói và cho biết, riêng tỉnh Nghệ An còn đang đề xuất Ban QLDA6 bổ sung thêm vốn để phục vụ công tác đền bù GPMB.
Đại diện Vụ KH-ĐT thông tin thêm, ngoài trình tự, thủ tục đầu tư kéo dài, thì việc giao vốn kế hoạch trung hạn, vốn kế hoạch hàng năm hiện nay của cơ quan thẩm quyền còn bất cập cũng khiến công tác giải ngân của các dự án giao thông gặp khó khăn. “Việc giao vốn kế hoạch kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm hiện nay cần phải thay đổi, cơ quan có thẩm quyền cần giao vốn theo nhu cầu, khả năng có thể thực hiện trong giai đoạn hoặc năm, không nên giao theo tổng mức vốn của dự án như thời gian qua”.
“Đơn cử, dự án cao tốc Bắc - Nam, trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 được giao 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước vào năm 2018 nhưng khả năng giải ngân theo tiến độ thực hiện đến kết kỳ trung hạn chỉ được khoảng 18.000 tỷ đồng, còn lại 37.000 tỷ đồng phải thực hiện ở giai đoạn sau”, đại diện Vụ KH-ĐT dẫn chứng.
Báo cáo phương án xử lý 36.759 tỷ đồng vốn cao tốc Bắc - Nam
Liên quan đến công tác giải ngân cao tốc Bắc - Nam, trong báo cáo tình hình thực hiện dự án của Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng nguồn vốn đã bố trí theo Nghị quyết 52/2017của Quốc hội là 55.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 27.306 tỷ đồng để thực hiện toàn bộ công tác GPMB 11 dự án và xây dựng 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước; 27.694 tỷ đồng hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cho 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP để đảm bảo tính khả thi.
Về kế hoạch và tiến độ giải ngân dự án, năm 2018 dự án đã giải ngân được 142,1 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư. Năm 2019, theo kế hoạch vốn được giao 7.062 tỷ đồng, trong đó kinh phí cho công tác GPMB khoảng 4.118 tỷ đồng đã chuyển về kho bạc các địa phương, còn lại khoảng 2.944 tỷ đồng dự kiến thanh toán cho công tác tư vấn, chi phí khác và một phần cho xây lắp của dự án đầu tư công. Tính đến tháng 9/2019, toàn bộ các dự án thành phần đã giải ngân được 988 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, các địa phương sẽ tập trung công tác chi trả đề bù GPMB, tạm ứng hợp đồng xây lắp cho 3 dự án đầu tư công, dự kiến sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 được giao. Năm 2020, dự kiến cao tốc Bắc - Nam giải ngân khoảng 11.037 tỷ đồng. Đối với số vốn còn lại khoảng 36.759 tỷ đồng, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.
Ông Trần Quốc Phương (Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT):
Ba nguyên nhân khiến trình tự giao vốn bị chậm
Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc đình trệ giao vốn. Thứ nhất, công tác chuẩn bị ở đơn vị chậm ngay cả khi đã có quyết định của Thủ tướng và Bộ KH&ĐT đã về, do đó chưa thể trình Chủ tịch hoặc Bộ trưởng ký. Thứ hai, việc giao vốn phụ thuộc vào hoạt động của Kho bạc Nhà nước. Cụ thể thời điểm từ 1 - 31/1 hàng năm là giai đoạn kho bạc thường đóng hệ thống để tập trung quyết toán và giải ngân vốn của năm trước. Nếu đơn vị lên nhập TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) thời điểm này sẽ rất vất vả, thường phải có cách mở đặc thù. Đây cũng được coi là tháng chồng lấn, cần hết sức thận trọng, nếu hệ thống bị treo sẽ ảnh hưởng tới tất cả các dự án đầu tư công trên cả nước. Chỉ tới sau ngày 31/1 khóa sổ xong xuôi, kho bạc mới mở đại trà trên cả nước.
Thứ ba, tâm lý “từ từ”, “bình chân như vại” của các ban quản lý dự án. Nếu nói vướng nhất thì chính ở khâu chuẩn bị quyết định phân bổ vốn cho từng dự, từng gói thầu của chủ đầu tư. Sau đó lại phải đối chiếu giữa số quản lý đầu ra của Kho bạc Nhà nước với đầu vào của ban quản lý dự án. Nếu vênh nhau sẽ gặp chuyện ngay. Do đó, công tác quản lý ở đây phải rất chặt chẽ nếu không sẽ gặp rất nhiều rủi ro.
Hoàng Ngân
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận