Y tế

Rước họa vì “detox” đại tràng

08/05/2022, 05:57

Nghe quảng cáo thổi phồng thanh lọc cơ thể, chống ung thư, trẻ hóa, giảm béo… bằng “detox” đại tràng, nhiều người đã sử dụng và gánh hậu quả...

Hệ lụy khó lường

Giới thiệu về giải pháp “detox” đại tràng thải độc tố hiện đang thu hút nhiều người sử dụng, nhân viên một spa trên đường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, tại đây quy trình thải độc máy công nghệ Ultra detox therapy sử dụng nước đã được xử lý qua tia UV và thảo dược đưa vào đại tràng thông qua đường hậu môn.

img

Các bác sĩ cảnh báo, giải pháp “detox” đại tràng thải độc tố được quảng cáo thổi phồng và để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc

Theo đó, ống y tế nối giữa máy và hậu môn, được đưa vào hậu môn 2cm. Từ đó, nước sẽ từ từ thành từng dòng vào khung đại tràng, khi thảo dược đưa vào ban đầu sẽ làm sạch được khung đại tràng trái, tiếp đó sẽ làm sạch được đại tràng ngang và cuối cùng sẽ làm sạch sâu được đại tràng phải.

“Cứ như vậy, buổi thanh lọc sử dụng thảo dược sẽ làm sạch được khung đại tràng hình như U của cơ thể. Cơ chế máy là 1 chiều, nước và thảo dược sẽ đưa vào, khi cảm giác thấy đầy bụng và buồn đi đại tiện, sẽ nhịn 10 - 15 giây, sau đó sẽ thải ra trực tiếp trên máy. Chất thải được dẫn qua 1 đường ống khác. Cứ như vậy chất thải và độc tố sẽ được đưa ra ngoài tự nhiên”, nhân viên này giới thiệu.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. BS. Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam cho biết, hình thức này không khác gì so với phương pháp “detox” đại tràng đã từng được quảng cáo thổi phồng trước đó về công năng giúp thanh lọc cơ thể, chống ung thư, trẻ hóa…

Hiểu nôm na đó chính là hình thức tháo thụt. Và điều đáng nói, dù biện pháp này được một nhà khoa học Đức đưa ra từ rất lâu nhưng thực tế chưa được minh chứng khoa học, chưa được công nhận.

Tuy nhiên, biện pháp này vẫn được quảng cáo thổi phồng và để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.

BS. Cường nhấn mạnh, điều nguy hiểm nhất là sau một thời gian thực hiện “detox” đại tràng theo phương pháp này là làm mất phản xạ đại tiện.

Trên thực tế, BS. Cường đã thăm khám và điều trị rất nhiều bệnh nhân bị mất phản xạ, mất chức năng buồn đại tiện vì lý do này. “Việc khắc phục hậu quả này không hề dễ, thậm chí, không phục hồi được”, BS. Cường cảnh báo.

Theo BS. Cường, một số bệnh nhân tìm đến với ông chia sẻ, thời gian đầu thực hiện cơ thể thấy rất dễ chịu, tuy nhiên sau đó hoàn toàn không còn cảm giác “buồn đại tiện” nữa, nếu đầy bụng lại phải dùng dụng cụ “detox” bơm nước vào để đưa chất thải ra ngoài.

“Hiện, để dễ chịu hơn sáng nào bệnh nhân cũng mất khoảng 30 phút để “detox” đại tràng. Ông xã của bệnh nhân chính là người thấy sự bất thường vì sự lệ thuộc vào “detox” và đưa vợ đến khám.

Trường hợp này điều trị khá lâu và rất khó để phục hồi. Các bệnh nhân đang chịu hệ lụy từ “detox” đại tràng thường là nữ ở tuổi trung niên từ 35 - 50”, BS. Cường cho biết.

Lợi bất cập hại

BS. Cường lý giải, mỗi bộ phận trong cơ thể đều có 1 chức năng riêng, khi chúng ta không “dùng” đến nó nữa sẽ tự mất chức năng.

Nếu theo cơ chế bình thường, ăn uống vào, khi tiêu hóa sẽ tạo khối chất thải, khi ở bóng đại tràng với thể tích nhất định sẽ kích thích vào các thần kinh niêm mạc gây phản xạ “buồn”, co bóp đẩy chất thải ra.

Việc thụt tháo hàng ngày sẽ làm mất đi các vitamin K, B… có ích, lâu ngày cơ thể sẽ sinh ra thiếu chất. Cơ thể con người là kỳ diệu, đã trải qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm nên các chức năng đã trở nên hoàn hảo, chúng ta không nên can thiệp thô bạo mà lợi bất cập hại.
Chúng ta có thể giúp cho đại tràng thải độc bằng cách uống nhiều nước, đi đại tiện đúng giờ. Thụt tháo chỉ có ích trong trường hợp táo bón mà không giải quyết được bằng thuốc uống.

TS. BS. Quan Thế Dân, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành


Tuy nhiên, khi sử dụng “detox” đại tràng, bệnh nhân không còn cảm giác “buồn đại tiện”, bụng chướng lên và hoàn toàn phụ thuộc vào việc bơm nước vào mới tống được chất thải ra ngoài.

Dù chưa thể khẳng định ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe ra sao nhưng điều này khiến chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân kém đi.

Nếu trước kia trào lưu “detox” đại tràng là nước cà phê với các dụng cụ đơn giản, thì hiện nay “detox” được công nghệ hóa với thành phần mật ong, hoa cúc và nước…

Tuy nhiên, theo nhận định của BS. Cường, “tất cả đều là hình thức tháo thụt theo nguyên lý tống nước qua hậu môn đưa vào cơ thể, rồi tháo chất thải ra”.

Trong y tế, hình thức này thường được áp dụng với các trường hợp bị táo bón, hoặc rửa đại tràng để soi, để phẫu thuật hoặc điều trị một số bệnh lý cần sự chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. BS. Quan Thế Dân, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành, Thanh Hóa cho biết: “Tôi đã có vài lần cứu sống bệnh nhân bắt đầu bị hôn mê gan bằng cách cho thụt tháo, lấy ra rất nhiều phân cứng. Sau khi thụt tháo rồi cộng với truyền dịch tích cực thì một hồi sau bệnh nhân tỉnh lại.

Tức là thụt tháo sẽ có lợi khi bệnh nhân đang có bệnh lý, nhất là đang bị táo bón. Còn trên người vẫn đại tiện bình thường, một tuần hay một tháng chúng ta thụt tháo vài lần thì chẳng có tác dụng chống độc hay thải độc.

Nên tốt nhất là chúng ta nên để đại tràng làm nhiệm vụ thải độc của nó vào mỗi buổi sáng. Chúng ta có thể giúp nó bằng cách uống đủ nước cho chất thải mềm, dễ di chuyển, tập vận động nhẹ nhàng cho đại tràng có sức co bóp”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.