Hàng loạt cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” bị phát hiện trong thời gian qua
Vấn nạn mạo danh bệnh viện lớn
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ não và tạo hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, không ít các cơ sở làm đẹp đã mạo danh Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 với nhiều tên gọi mập mờ gắn với số “108”. Ngoài Hà Nội, Hải Phòng, các cơ sở này còn xuất hiện ở nhiều địa phương, thậm chí ở các tỉnh miền núi.
“Cách đây gần 1 tháng, trung tâm tiếp nhận 1 ca tai biến nặng đến từ Hải Dương. Nữ bệnh nhân 60 tuổi chia sẻ, trước Tết, bà đã tìm đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 nhưng vừa đến cổng đã bị đội cò mồi dẫn dắt đưa đến cơ sở khác, được giới thiệu là đơn vị “con” của bệnh viện với tên gọi “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội” (địa chỉ ở số 2 Đỗ Đức Dục, Từ Liêm, Hà Nội).
Tại đây, bệnh nhân đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để thực hiện nhiều dịch vụ làm đẹp trong đó có phẫu thuật nâng mũi, nâng cung mày, tiêm cằm… Tuy nhiên, sau phẫu thuật, mắt, mũi đều viêm nhiễm nặng”, ông Lâm dẫn chứng.
“Khi tiếp nhận ca này, chúng tôi phát hiện những sai sót chuyên môn không chấp nhận được!”, ông Lâm nói thêm và cho biết: “Để nâng mũi, thay vì tháo vật liệu làm mũi trước đó ra thì cơ sở đó lại chồng thêm vật liệu mới. Tôi không thể hình dung nổi tại sao họ có thể làm như vậy, vì chắc chắn với cách làm đó tai biến viêm nhiễm là đương nhiên, chưa nói đến tính thẩm mỹ”.
Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều ca tai biến chảy máu, bất thường khi làm mắt, mũi hay sẹo xấu sau khi làm thủ thuật ở các cơ sở mạo danh, trái phép….
“Đây là vấn nạn lớn với chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Phải khẳng định mọi hoạt động từ tư vấn, khám, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ diễn ra trong khuôn viên của bệnh viện tại địa chỉ số 1 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đồng thời bệnh viện cũng không liên kết với bất kỳ cơ sở thẩm mỹ nào khác”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Lâm, ngoài những tai biến có thể nhìn thấy được, nguy hiểm hơn là các bệnh lây truyền qua đường máu ở các spa, thẩm mỹ viện hoạt động trái phép.
“Tại những cơ sở này, kiến thức, trình độ, khả năng trang thiết bị để kiểm soát lây bệnh hoàn toàn không có. Bên cạnh đó, những xét nghiệm loại trừ, các biện pháp dự phòng cũng đều bị bỏ qua vì tốn kém, mất thời gian, khó khăn… Người dân cứ rỉ tai nhau qua bạn bè đến làm đẹp, giá rẻ… nhưng không lường được nguy cơ mắc bệnh trong quá trình can thiệp xâm lấn, gây hệ lụy lâu dài”, BS. Lâm chia sẻ.
Định danh rõ ràng, phát hiện sai phạm từ quảng cáo online
TP HCM hiện có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và chỉ mới có 21 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế. Trong khi đó, trên địa bàn có khoảng 2.000 cơ sở spa chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu, làm móng.
Một lãnh đạo Sở Y tế TP HCM thừa nhận, không phải tất cả dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành Y tế, do vậy khó có thể “bao sân” kiểm soát hoạt động này.
Cụ thể, chỉ bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ mới được cấp phép bởi Bộ Y tế và Sở Y tế. Còn lại, hình thức spa, cơ sở thẩm mỹ chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở KH&ĐT cấp (nếu loại hình doanh nghiệp).
Tương tự, một chuyên gia y tế nhận định: “Mặc dù loại hình spa, thẩm mỹ viện đang bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động trái phép, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc nhưng công tác quản lý, thanh tra, hậu kiểm lại được phân cấp theo đơn vị cấp phép. Vì vậy, đơn phương ngành Y tế không thể kiểm tra, kiểm soát mà cần phối hợp liên ngành và chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia của lực lượng công an. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng nên việc kiểm tra khó theo được sự nở rộ của các loại hình này. Trên thực tế, Thanh tra Y tế có thể xử phạt với các cơ sở về vi phạm “hành nghề trái phép”, tuy nhiên thường là khi đã xảy ra vụ việc”.
Bên cạnh đó, một trong những kẽ hở để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, chính là chưa có định danh chính xác với từng loại hình.
Các biển hiệu thường thấy như “Thẩm mỹ viện”, “Viện thẩm mỹ”, “Trung tâm thẩm mỹ” được trưng tại những toà nhà có cơ sở hạ tầng sang trọng, bắt mắt,… dễ làm cho người dân lầm tưởng là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả các loại hình thẩm mỹ, bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ…
PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm cho biết, chính sự nhập nhèm trong tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ khiến người dân không thể phân biệt được đâu là cơ sở được phép can thiệp xâm lấn, đâu là là cơ sở trái phép. Trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát còn chưa hiệu quả. Do đó, cần bổ sung thêm quy định về định danh rõ ràng gắn với ngành nghề đăng ký kinh doanh… giúp người dân không bị nhầm lẫn.
“Ngoài ra, để kiểm soát hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ trái phép, cơ quan chức năng cần chú trọng việc kiểm tra qua thông tin mạng vì các cơ sở này sống nhờ quảng cáo online trên mạng xã hội…”.
Thế nào là phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đạt chuẩn?
Một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đạt chuẩn chỉ để bảng biển theo quy định là “phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ”, cùng với số giấy phép, tên bác sĩ phụ trách. Muốn hoạt động phải có giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ phụ trách chuyên môn chính và danh mục kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện nay nhiều cơ sở làm đẹp trưng bảng hiệu “Viện thẩm mỹ”, hay “Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ”… hoàn toàn sai phạm.
Bác sĩ theo chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ phải đào tạo mất 6 năm, sau khi ra trường phải học 4,5 năm nữa (54 tháng) và hoạt động gắn với chuyên ngành, mới đủ điều kiện xin giấy phép độc lập mở cơ sở phòng khám thẩm mỹ.
Người tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ cho khách phải là bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ đó, song thực tế đa số các thẩm mỹ viện, người tư vấn có khi chỉ là nhân viên.
PGS. TS. BS. Đỗ Quang Hùng, Tổng thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM
Nguyễn Hằng (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận