Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói từ Bệnh viện Bạch Mai có thể sẽ lan ra những “đốm cháy” Covid-19 ở các tỉnh phía Bắc.
Những con số và phân tích mà ông Nguyễn Đức Chung đưa ra trong cuộc giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia thực sự đặt ra một bài toán khó cho cuộc chiến trong những ngày tới.
Sau ngày 20/3, bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 5.113 bệnh nhân về khắp các tỉnh thành, trong đó Hà Nội tiếp nhận 1.592 trường hợp.
Có tới 5-7 nghìn người ra vào viện mỗi ngày. Hơn 2.000 bệnh nhân HIV đến nhận thuốc cấp phát, hơn 2.000 thực tập sinh đến Bạch Mai học tập trong thời gian qua.
Thật khó sớm thống kê số người từng đến Bạch Mai trong 2 tuần qua để xét nghiệm và cách ly. Xác minh họ đã đi những đâu, tiếp xúc với những ai là cuộc rượt đuổi vô cùng khó khăn và tốn kém.
Từ thực tế Bạch Mai, có thể thấy, còn nhiều nguồn lây nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện. Công cuộc chống dịch trở nên khó khăn và phức tạp vô cùng.
Lâu nay, ai cũng biết dịch bệnh vô cùng nguy hiểm nhưng dường như nghĩ nó “ở đâu đó chứ không phải gần ta”.
Không chỉ người dân còn chủ quan, mà cả chính quyền các địa phương cũng chưa cụ thể hóa một cách chi tiết chỉ thị của Thủ tướng cho phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.
Ngay chuyện cấm tụ tập trên 20 người cũng mới ở “trên cao”, nhiều địa phương chưa làm nghiêm, đám giỗ, đám hiếu vẫn tổ chức rình rang, nhiều lớp học, buổi họp vẫn diễn ra như ngày thường.
"Chống dịch như chống giặc" nhưng có vẻ như nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa bước vào "thời chiến". Không chỉ có Bệnh viện Hồng Ngọc mà ít nhất 2 bệnh viện tuyến dưới đã phải cách ly hàng loạt y bác sỹ nhân viên tiếp đón ngay khi có người nghi nhiễm đến khám. Phải chăng nơi chữa bệnh thì… không sợ bệnh, và được phép chủ quan, không phân loại bệnh nhân ngay từ khâu đón tiếp?.
Ở nước ta có đặc thù, người nhà nhất định phải tiếp cận với bệnh nhân, để thăm nom, chăm sóc, tiếp tế… Thậm chí còn bằng mọi cách để vào phòng bệnh dù không phải giờ được thăm nuôi.
Trong thời gian dịch bệnh diễn tiến khó lường này, điều đó trở nên vô cùng nguy hiểm. Vì số lượng người ra vào viện quá đông, quá khó kiểm soát nguồn lây.
Điều nguy hiểm nhất không phải là lây lan cho bệnh nhân mà là virus có thể tấn công trực diện vào đội ngũ y tế. Những người mà thiếu họ sẽ không còn phương án nào để thay thế.
Bệnh viện Bạch Mai đang phải cách ly hàng trăm nhân viên y tế, y bác sỹ. Bệnh viện phải “đóng băng” trong nhiều ngày, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tình trạng thiếu bác sỹ trực chiến trong viện là có thật, càng thiếu trầm trọng hơn nhân viên chăm sóc bệnh nhân khi người nhà buộc phải đưa đi cách ly hết.
Bạch Mai là “tuyến đầu” mà còn thế, thử hỏi, các bệnh viện khác thì sao?
Vấn đề hiện nay không chỉ là tập trung dập ổ dịch này mà còn cần ngăn chặn và triệt tiêu các “đốm cháy” ở các bệnh viện khác.
Vì thế, dù chậm vẫn hơn, phải thực hiện ngay việc cấm người vào thăm bệnh nhân nằm viện.
Người nhà vào chăm sóc bệnh nhân nặng phải khai báo y tế và được sàng lọc người có nguy cơ lây nhiễm.
Cần ưu tiên test kiểm tra toàn bộ những người phục vụ trong bệnh viện và kích hoạt chế độ đặc biệt như thời chiến.
Các tỉnh thành, các Sở Y tế, các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh từ tư nhân đến trung ương cần quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng, cần vận dụng một cách sáng tạo vào thực tế của mình và cụ thể hóa thành các quy định hết sức cụ thể để thực hiện một cách kiên quyết.
Đừng để những đốm cháy lan thành đám cháy làm tê liệt hệ thống y tế.
Đối với cộng đồng, hãy đừng nói lời cảm ơn suông những người làm ngành y đang kiệt sức sau những ca làm việc dài bất tận.
Hãy dừng ngay việc đi lại, hủy bỏ những cuộc tiếp xúc vô bổ, hãy chăm lo sức khỏe và giữ vệ sinh đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đừng trút thêm gánh nặng lên vai những người mặc blouse trắng bằng sự thiếu hiểu biết và vô ý thức của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận