Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394 km QL1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bằng nguồn vốn NSNN kết hợp nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Ngô Vinh. |
2 dự án giao thông lập kỷ lục về quy mô và tiến độ
Tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chiều nay (4/1), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến cuối năm 2015, đã hoàn thành toàn bộ các dự án đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cần Thơ. Riêng dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả có quy mô dự án lớn, mức độ phức tạp cao nên dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Không chỉ các dự án mở rộng QL1 hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra, 419 km đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước cũng được đưa vào khai thác sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch.
Đột phá thu hút vốn xã hội hóa Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc thực hiện dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay (116.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD) trong khi chỉ sử dụng gần 54% kinh phí từ ngân sách Nhà nước, huy động được hơn 46% kinh phí từ nguồn ngoài ngân sách là một bước đột phá lớn, hiện thực hóa chủ trương của Đảng về "Thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm", giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong điều kiện hết sức khó khăn hiện nay. |
“Việc rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án từ 12 đến 18 tháng là một kỷ lục, đặc biệt đối với dự án hạ tầng có quy mô cực kì lớn như Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên", Thứ trưởng Trường nói.Bộ GTVT đã giao các tổ chức tư vấn có năng lực hàng đầu (TEDI, TEDI South, Tư vấn Trường Sơn, Viện KHCN) làm tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn kiểm định và tư vấn giám sát công trình.
Thành lập Tổ công tác rà soát thiết kế, Hội đồng đánh giá tình trạng cầu đang khai thác để hạn chế tối đa các sai sót, bất hợp lý, hạn chế tình trạng nâng cao mặt đường trong khu vực dân cư; sửa chữa tận dụng các cầu cũ còn tốt để tiếp tục kéo dài thời gian khai thác, hạn chế phá đi làm lại gây lãng phí trong đầu tư…
Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam vừa được mở rộng. Ảnh: Ngô Vinh. |
Đặc biệt, nhờ rút ngắn tiến độ nên quá trình đầu tư tiết kiệm được chi phí trượt giá, đồng thời với việc rà soát áp dụng các giải pháp thiết kế phù hợp, tiết kiệm 5% từ chỉ định thầu, quản lý giá thành chặt chẽ, GPMB nhanh gọn, toàn dự án đã tiết giảm được hơn 17.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Qua đó, tạo điều kiện đầu tư bổ sung một số hạng mục khác để hoàn chỉnh đồng bộ các dự án, tăng cường kết nối dự án với hệ thống hạ tầng có liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư.
“Thành công của dự án chứng minh sự đúng đắn trong việc lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư dự án có tác dụng liên vùng, liên lãnh thổ mà Đảng và Nhà nước đã có chủ trương”, Thứ trưởng Trường nói.
Có đường mới, đầu tư tăng đột biến
Về công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương có dự án đi qua sớm vào cuộc bằng cả hệ thống chính trị, sâu sát với nhân dân, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của nhân dân, nhờ đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn các địa phương đã thu hồi 2.380 ha diện tích đất, 84.056 hộ bị ảnh hưởng. |
Việc hoàn thành sớm hơn so với yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội từ 12-18 tháng các dự án mở rộng QL1 và đường HCM qua khu vực Tây Nguyên có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng đã được Nghị quyết 13/NQ-TW của Trung ương Đảng về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Hai dự án giao thông lớn về đích sớm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh quốc phòng các khu vực có dự án đi qua và của cả nước.
”Các dự án đã tác động trực tiếp tới việc kích cầu trong đầu tư xây dựng giao thông, tạo ra cơ hội lớn về đầu tư, tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động; kích thích tăng trưởng kinh tế khu vực Dự án đi qua”, Thứ trưởng Trường phân tích.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, khi dự án đường Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành, đầu tư vào Tây Nguyên đã tăng đột biến với hơn 16.000 tỷ đồng.
Cùng đó, các dự án cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông trên 2 trục giao thông đường bộ quan trọng nhất của đất nước, hạn chế tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải... Theo đánh giá ban đầu, sau khi các dự án được đưa vào khai thác, tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7-10 giờ thời gian chạy xe, tuyến Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh đã giảm ít nhất 3-4 giờ thời gian chạy xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận