Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương - nơi xảy ra vụ việc
Sau khi Báo Giao thông đăng tải loạt bài về “Nghi vấn trục lợi BHXH ở Bệnh viện Y học cổ truyển Hải Dương”, nhiều cán bộ, bác sỹ, nhân viên bệnh viện tiếp tục phản ánh về dấu hiệu lập giả lịch trực, rút tiền ngân sách hàng trăm triệu đồng tại bệnh viện này.
Bất ngờ với danh sách trực Covid-19
Theo phản ánh của một số cán bộ, bác sỹ, Hải Dương là một trong những tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cũng là địa phương cả 3 đợt đều xuất hiện ca nhiễm bệnh.
Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chức năng tỉnh rất quan tâm đến cán bộ, bác sỹ, những người tham gia phòng chống dịch bệnh, trong đó hỗ trợ kịp thời về kinh phí cho công tác phòng chống dịch.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, 3 đợt trực dịch năm 2020, tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh này với tổng số tiền trên 370 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền này cũng được đổ vào khoảng 20 tài khoản của lãnh đạo, cán bộ, y bác sỹ bệnh viện. Người nhiều nhất nhận được là gần 30 triệu đồng, còn người ít nhất là trên 6 triệu đồng.
Điển hình như các lãnh đạo bệnh viện đã nhận số tiền khoảng 18 triệu đồng/người; Hai nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là ông Ngô Văn Hiền và bà Nguyễn Thị Nhài nhận số tiền gần 60 triệu đồng.
Ngoài ra còn một số cán bộ, nhân viên khoa, phòng khác cũng được nhận số tiền hỗ trợ trực Covid-19 lên tới hàng chục triệu đồng.
Thế nhưng, có điều lạ, ngay sau khi nhận được số tiền hỗ trợ trên, một số người đã phải rút ra và nộp lại cho lãnh đạo khoa, phòng và bệnh viện.
Xác nhận với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Nhài, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương cho biết, đã nhận được khoảng 28 triệu đồng đổ về tài khoản, nhưng sau đó lãnh đạo khoa đã yêu cầu thu lại số tiền trên và thực tế chỉ chia lại cho bà Nhài vài trăm nghìn đồng.
Tương tự, ông Hiện, là lái xe tại bệnh viện, đã nhận gần 20 triệu đồng tiền trực Covid-19. Thế nhưng, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hiện cho biết, số tiền này mình đã gửi lại cho ông Phạm Quang Tiến, Trưởng phòng Tài chính Kế toán bệnh viện, bản thân ông chỉ được nhận số tiền khoảng vài triệu đồng.
Bất ngờ hơn, trong danh sách trực Covid-19 đã được nhận tiền, nhiều cán bộ, nhân viên bệnh viện cho biết, họ không hề biết lịch trực, nhưng vẫn nhận được tiền đổ vào tài khoản của mình và bản thân họ cũng chưa một lần được thông báo hay nhìn thấy lịch trực Covid-19 cụ thể nào do khoa, phòng hay bệnh viện phổ biến.
Không trực vẫn được nhận tiền (!?)
Làm việc với Báo Giao thông, ông Đỗ Thành Vượng, Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh và phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương cho biết: “Trực Covid-19, bệnh viện có danh sách phân công, tiền hỗ trợ thì tôi không nắm được.
Danh sách đó bệnh viện phân công cho một số cán bộ, còn tôi chỉ biết trực lãnh đạo, không nắm rõ trực chuyên môn hay trực Covid-19. Tiền trực Covid-19 lúc thì lĩnh trực tiếp, lúc thì bắn tài khoản”.
Khi được hỏi về danh sách trực Covid-19 do bệnh viện lập không có tên ông Vượng, nhưng thực tế ông Vượng vẫn được lĩnh tiền, ông Vượng cho biết: “Đó là tiền gì thì tôi không để ý. Tôi làm chuyên môn, cứ phân công là trực, còn thêm Covid-19 hay không thì không rõ. Số tiền thực lĩnh cũng ít thôi, khoản nọ khoản kia chỉ khoảng 1 triệu, vài trăm…”.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng khoa Nhi xác nhận, có nhận được tiền trực Covid-19 từ phía Trưởng phòng Tài chính Kế toán với số tiền trên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định mình không nhận được lịch trực Covid-19, cũng không trực Covid-19 buổi nào.
Cũng tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Phượng, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên bệnh viện xác nhận, có nhận được số tiền trên 19 triệu đồng từ ông Hà Sơn, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện.
Số tiền này là tiền chi cho Đoàn thanh niên và Công đoàn tham gia trực Covid-19. Một số bác sỹ, công đoàn viên trực đã nhận được tiền. Còn các đoàn viên thanh niên khác hiện chưa chi trả, theo bà Phượng số tiền này là để liên hoan.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, số tiền đoàn viên trực Covid-19 đã được Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương chuyển vào tài khoản, nhưng sau đó họ cũng bị thu lại.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với PV ngày 25/3, khi được hỏi về tiền hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương cho biết, việc này bà không phụ trách nên không nắm được cụ thể.
Trước đó, cuối tháng 2/2021, Báo Giao thông có loạt bài “Những chuyện lạ ở Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương”, phản ánh việc nhiều bệnh nhân khỏe mạnh, không nằm viện ngày nào, cũng không được khám chữa bệnh nhưng sau khi ra viện, bệnh nhân vẫn được BHYT chi trả đủ chi phí điều trị nội trú mức cao nhất. Điều này đã làm dấy lên nghi vấn về việc trục lợi BHXH.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc họp, chỉ đạo và giao Ban Nội chính, công an và các sở, ngành liên quan xác minh, làm rõ nghi vấn trục lợi bảo hiểm ở Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương.
Nếu có sai phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định. Ban Nội chính tỉnh cũng có báo cáo ban đầu với Thường trực Tỉnh ủy, giao cho Sở Y tế Hải Dương xem xét vấn đề này.
“Cái sai của Bệnh viện Y học cổ truyền là đúng rồi, không bàn đến vấn đề này nữa, Sở Y tế yêu cầu chỉ rõ cái sai, nhìn nhận những sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan và chỉ đạo, giám sát xử lý sai phạm của bệnh viện”, ông Cường nhấn mạnh.
Còn về nghi vấn có dấu hiệu lập khống danh sách trực Covid-19, “rút ruột” tiền Nhà nước tại bệnh viện này, ông Cường cho hay, chưa nắm được thông tin cụ thể.
“Việc hỗ trợ phòng chống dịch theo Nghị quyết 37 của Chính phủ, sau là Nghị quyết 16, Sở Y tế hướng dẫn các đối tượng, bệnh viện sẽ triển khai.
Từ danh sách các đơn vị lập theo hướng dẫn của Sở Y tế, các đối tượng trực tiếp tham gia chống dịch sẽ được nhận hỗ trợ. Còn các đối tượng khác thì không được hưởng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận