Đó là khẳng định của ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) tại chương trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa được tổ chức sáng 25/4.
Theo ông Đặng Tuấn Tú, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nhiều từ các cuộc xung đột giữa các quốc gia dẫn đến đồng đô la Mỹ (USD) và chi phí nhiên liệu tăng cao.
Thị trường vận tải hàng không tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng là các hãng hàng không quốc tế.
Đối với Việt Nam, hai thị trường khách du lịch lớn trước dịch Covid-19 là Trung Quốc và Nga vẫn đang bị ảnh hưởng.
Trong đó, tình hình kinh tế tại Trung Quốc đang phục hồi chậm, bản thân nước này cũng đang kích cầu, khuyến khích du lịch nội địa chứ không khuyến khích du lịch quốc tế.
Ở Nga, chiến tranh đang năm thứ 3, các lệnh phong tỏa, trừng phạt, bao vây... dẫn đến ảnh hưởng đến khách du lịch.
Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, các hãng hàng không đều bị giảm nguồn lực đáng kể, đội ngũ tàu bay một số hãng giảm sâu.
Những khó khăn nội tại của các hãng hàng không nội địa dẫn đến việc điều chỉnh tần suất khai thác cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của SAGS.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới là các hãng hàng không quốc tế, SAGS vẫn đàm phán thành công và ký hợp đồng phục vụ mặt đất với một số hãng quốc tế mới tại TP.HCM như Greater Bay Airlines (Hong Kong), Jeju Air (Hàn Quốc), Sichuan Airlines và Shenzhen Airlines (Trung Quốc).
Một số hãng hàng không tạm dừng trước đây cũng đã khai thác trở lại như:Jeju Air, Sichuan Airlines, Malindo Air...
Ông Tú thông tin, năm 2023, doanh thu hợp nhất của SAGS đạt 1.498 tỷ đồng (tăng 17% so với kế hoạch đề ra và tăng 47% so với năm 2022).
Lợi nhuận sau thuế của SAGS đạt 227 tỷ đồng (tăng 11% so với kế hoạch và tăng 65% so với năm 2022).
Chi nhánh SAGS tại Cam Ranh cũng đã xóa gần hết lỗ lũy kế từ năm 2020-2022 và thu về lợi nhuận là 27,7 tỷ đồng.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2024 của SAGS được ông Tú xác định là tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới khách hàng, chăm sóc khách hàng, đối tác một cách tốt nhất để củng cố và giữ gìn, phát triển khách hàng mới song song với việc đảm bảo an ninh, an toàn. Đây là mục tiêu quan trọng, tiên quyết của SAGS.
Đặc biệt, SAGS tập trung mọi nguồn lực để đấu thầu thành công cung cấp dịch vụ tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nói rõ hơn về điều này, ông Tú cho biết, dự kiến sân bay Long Thành sẽ đưa vào khai thác năm 2026.
Đây có thể nói là tương lai của hoạt động hàng không cả nước cũng như phía Nam, đặc biệt là công ty cung cấp dịch vụ mặt đất như SAGS.
"Đây là việc quyết định sự tồn tại cũng như phát triển của công ty trong tương lai. Bởi vì khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác giai đoạn 1, 80% đường bay hãng bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về sân bay Long Thành", ông Tú nói.
Ông Tú tin tưởng SAGS sẽ thành công đấu thầu tại sân bay Long Thành. Đồng thời, đơn vị này sẽ xúc tiến để phát triển, liên kết các dịch vụ khác như hoạt động trong nhà ga, hàng hóa... chứ không chỉ dừng vụ việc phục vụ mặt đất.
SAGS cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất trong năm 2024 là 1.499 tỷ đồng (bằng với năm 2023), lợi nhuận sau thuế là 240 tỷ đồng và kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận