Mất tiền, thêm cả nỗi lo
Rất đông bệnh nhân tìm đến biện pháp thụ tinh ống nghiệm tại trung tâm hỗ trợ sinh sản.
Vợ chồng anh Nguyễn Đức Hải (quê Thái Bình) muốn khám hiếm muộn vì kết hôn 6 tháng chưa có con. Họ tìm đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán anh Hải bình thường, song vợ anh bị buồng trứng đa nang, được tư vấn về uống thuốc và chờ chu kỳ kinh nguyệt.
Sau khi chờ đợi 3, 4 tháng vẫn không có kinh nguyệt, quá sốt ruột, vợ chồng anh Hải vào diễn đàn điều trị hiếm muộn trên mạng xã hội và quyết định đến một cơ sở khác khám.
Tại đây, bác sĩ đã tư vấn và tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm luôn. Sau khi tiêm thuốc kích trứng và đến ngày chọc trứng, vợ chồng anh cùng lên viện để lấy tinh trùng và trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chu kỳ này, vợ chồng anh được 5 phôi. Họ chuyển hai phôi và đậu thai. Tuy nhiên, đến tháng thứ 4, vợ anh Hải bất ngờ bị lưu thai, nguyên nhân do tử cung ngắn.
“Nếu kiểm tra tử cung kỹ càng trước khi chuyển phôi có thể vợ chồng tôi đã giữ được con, thay vì vội vàng làm thụ tinh trong ống nghiệm ngay”, anh Hải cho hay.
Quyết định sinh thêm con vào năm 2016 sau khi đã có con gái sinh năm 2010, vợ chồng anh Bùi Văn Hoa (Nam Định) chờ mãi vẫn không có tin vui. Lo lắng nên ai mách ở đâu có thầy lang giỏi là vợ chồng anh đều tìm đến. Kết quả, uống vài chục cân thuốc nam, mọi chuyện vẫn không có kết quả.
Năm 2020, hai vợ chồng lên Hà Nội khám, được bác sĩ chẩn đoán người vợ khó có con vì tử cung có u xơ, lạc nội mạc. Họ được tư vấn làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Lúc đó, vợ anh Hoa đã 39 tuổi nên họ đăng ký ngay. Tuy nhiên, quá trình tiêm thuốc kích trứng, người vợ bị nhiễm trùng dẫn tới phải nhập Bệnh viện Phụ sản Trung ương cấp cứu.
Tại đây, bác sĩ phải xử lý cả khối u xơ tử cung, u lạc nội mạc tử cung và cắt một bên buồng trứng vì nhiễm trùng. Thời điểm đó, dịch Covid-19 đang lan rộng nên hành trình chữa chạy biến chứng vô cùng vất vả.
Hai vợ chồng được 5 phôi nhưng tới ngày thứ 5 thì 4 phôi bị thui chột, hiện chỉ còn 1 phôi. Hơn ba năm qua, vợ anh Hoa luôn cố gắng bồi bổ sức khỏe để có thể chuyển nốt phôi còn lại nhưng không đảm bảo, u xơ tử cung và lạc nội mạc tiếp tục tái phát, việc chuyển phôi tỷ lệ thành công chỉ 5%.
Anh Hoa chưa muốn mạo hiểm. Suốt quá trình điều trị, vợ chồng anh mất khoảng 350 triệu đồng, bao gồm cả tiền làm xét nghiệm sàng lọc cho 5 phôi ở ngày 3.
Hệ lụy lạm dụng thụ tinh trong ống nghiệm
Theo BS Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi ngày ông khám, tư vấn cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn.
“Nhiều bệnh nhân đặt luôn vấn đề họ muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ tư vấn thay đổi lối sống, chế độ ăn hoặc việc điều trị tận gốc nguyên nhân vô sinh, bệnh nhân lại không mặn mà. Nếu bác sĩ từ chối, bệnh nhân sẵn sàng tới cơ sở khác. Thực tế, nhiều cơ sở thích làm thụ tinh trong ống nghiệm vì dễ mà chi phí thu được cao hơn các kỹ thuật khác”, BS Quang cho hay.
Cùng quan điểm, một bác sĩ chuyên về hiếm muộn ở Hà Nội cũng cho biết các cặp vợ chồng hiếm muộn đều có tâm lý khát con. Tuy nhiên, khi nói về quá trình điều trị lâu dài, cần sự kiên trì thì họ lại ngại, muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm ngay vì tâm lý “trước sau cũng phải làm”.
Thậm chí, có những cặp vợ chồng chỉ 3, 4 tháng quan hệ tình dục không có thai đã đến bệnh viện yêu cầu bác sĩ làm thụ tinh trong ống nghiệm. Mọi giải thích từ bác sĩ đều khiến họ không vừa ý và chỉ muốn đi đường tắt, có con nhanh, tốn kém một lần.
GS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định: “Việc bệnh nhân thích làm thụ tinh trong ống nghiệm, các trung tâm hỗ trợ sinh sản chiều theo ý họ, làm luôn chu kỳ này là điều nguy hiểm. Bởi, việc thụ tinh trong ống nghiệm mà không giải quyết tận gốc của vấn đề, có thể dẫn tới biến chứng cho người bệnh.
Bản thân tôi cũng tiếp nhận nhiều cặp vợ chồng biến chứng khi tiêm kích trứng và các biến chứng khác khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nhiều cơ sở tiêm thuốc kích trứng không đúng liều, khiến biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời”.
Theo GS Tiến, nếu 10 năm trước chỉ một vài trung tâm hỗ trợ sinh sản thực hiện thụ tinh ống nghiệm thì hiện nay, cả nước có 53 trung tâm. Việc nở rộ các trung tâm hỗ trợ sinh sản giúp người hiếm muộn được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro không đáng có, khó quản lý hơn.
Chi phí hàng trăm triệu đồng
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam hiện nay là 7,7%, tương đương khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Mỗi lần thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sẽ phải tốn chi phí từ 80-100 triệu đồng. Người có thêm bệnh lý đi kèm phải xét nghiệm gene, sàng lọc phôi, số tiền có thể lên tới 200-300 triệu đồng.
Về quy định của Bộ Y tế, các yếu tố để được thành lập trung tâm hỗ trợ sinh sản lưu trữ tinh trùng và phôi là cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên, bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi, bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân, bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.
Về nhân sự, các trung tâm phải có ít nhất 2 bác sĩ được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và 2 cán bộ có trình độ đại học y, dược hoặc sinh học được đào tạo về phôi học lâm sàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận