Nội dung này được nêu tại tờ trình dự thảo nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Loạt ông lớn dừng kế hoạch đầu tư mới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn và thách thức, các quốc gia đang cạnh tranh gay gắt để ổn định, khuyến khích và thu hút đầu tư.
Hiện nay, các quốc gia tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có các lĩnh vực là xu hướng của thế giới như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu hay thậm chí các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đều có các chính sách hỗ trợ đa dạng và hấp dẫn, với việc áp dụng song song các chính sách ưu đãi trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và ưu đãi dựa trên chi phí với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD.
Đơn cử, Thái Lan phân bổ 50-70% số tiền thu thuế bổ sung vào "quỹ nâng cao năng lực" để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn tại Singapore, Chính phủ nước này ban hành chính sách hỗ trợ tới 50% các chi phí đủ điều kiện trong các lĩnh vực kinh tế cốt lõi, các khoản đầu tư mới, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và duy trì nền kinh tế cạnh tranh…
Nhờ sự phản ứng nhanh trong việc đổi mới chính sách, các quốc gia này, đã thu hút được những dự án rất lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nhìn lại Việt Nam những năm qua, Bộ KH&ĐT đánh giá, dù thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng, nhưng số lượng các dự án quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao còn khiêm tốn.
"Việc mở rộng của một số dự án công nghệ cao cũng có dấu hiệu tạm ngừng, một số doanh nghiệp đã thông báo chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam, như Samsung, Intel, LG…
Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư, nhưng không lựa chọn Việt Nam hoặc lựa chọn chờ đợi nhằm theo dõi phản ứng chính sách của Việt Nam", Bộ KH&ĐT thông tin.
Cấp thiết có chính sách đầu tư mới
Thực tế, hiện nay, Việt Nam thu hút được 108 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư trên 500 triệu USD (trung bình 15 dự án/năm), trong đó chỉ có 27 dự án trong lĩnh vực công nghệ cao.
Riêng trong giai đoạn từ 2013 đến nay, chỉ có 56 dự án quy mô lớn trên 500 triệu USD, trung bình chưa đến 5 dự án/năm.
Trong khi đó, chỉ trong tháng 5 vừa qua, Malaysia đã công bố một loạt các dự án lớn gồm dự án Cloud và AI của Microsoft với vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; dự án trung tâm dữ liệu của Google với vốn đầu tư 2 tỷ USD, ngoài ra một số tập đoàn lớn cũng đã công bố kế hoạch đầu tư của mình như ByteDance (công ty mẹ của Tiktok) dự kiến đầu tư 2,13 tỷ USD thành lập trung tâm dữ liệu, trước đó Nvidia cũng hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm AI trị giá 4,3 tỷ USD (công bố tháng 12/2023)…
Trong bối cảnh này, theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt giữ chân và thu hút các doanh nghiệp đại bàng với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh lớn, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.
Chính sách này không nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư thuộc phạm vi thuế tối thiểu toàn cầu, mà mục tiêu để khuyến khích cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, đồng thời thể hiện tinh thần "thiện chí đồng hành" của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.
Với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD, 30-40 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD, 40-50 tỷ USD/năm) và trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện tại, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mới ở thời điểm này là vô cùng cấp thiết.
Đánh giá về chính sách, Bộ KH&ĐT nêu quan điểm, trường hợp Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì việc áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam; không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Từ đó, ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cũng như ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không sớm nội luật hóa để điều chỉnh mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tương đương với mức thuế tối thiểu toàn cầu (15%), Việt Nam sẽ không thu được phần thuế chênh lệch, các công ty đầu tư tại Việt Nam cũng không được hưởng các ưu đãi này vì sẽ bị các quốc gia của công ty mẹ thu…
Còn về quỹ hỗ trợ đầu tư, sẽ cần có nguồn thu là ngân sách nhà nước cấp từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách nhà nước khác; nguồn đóng góp, viện trợ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); tồn dư quỹ hàng năm; và các nguồn khác.
Quỹ này sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận