Đồng Nai xin đầu tư sân bay Biên Hòa
Ngày 31/10, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai việc đầu tư dự án sân bay Biên Hòa (thành phố Biên Hòa).
Cụ thể, trong văn bản UBND tỉnh nêu rõ việc sớm đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng rất cần thiết và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội cho Đồng Nai.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao UBND tỉnh làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án sân bay Biên Hòa để sớm nâng cấp đưa sân bay Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc muốn tài trợ quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận cho phép Đồng Nai thực hiện hồ sơ quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
UBND tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tổ chức lập quy hoạch chi tiết sân bay Biên Hòa, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định. Đồng Nai cũng cam kết sản phẩm quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ bàn giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tiếp nhận quản lý, sử dụng.
Nhiều lợi thế khai thác lưỡng dụng
Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, cách sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM khoảng 30km. Từ khi xây dựng đến nay, sân bay Biên Hòa phục vụ cho mục đích quân sự, huấn luyện bay bảo vệ vùng trời và được giao cho Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn 370, Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng.
Theo các chuyên gia, sân bay Biên Hòa có vị trí đắc địa nằm ở nội ô thành phố Biên Hòa, đây là cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động.
Sân bay Biên Hòa đã có sẵn hai đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ, hệ thống đài chỉ huy bay…
Để khai thác lưỡng dụng, sân bay này chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa. Đồng thời chỉ cần làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh.
Được biết vào tháng 9 vừa qua, ông Võ Tấn Đức đã ký văn bản về xây dựng đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) khai thác sân bay Biên Hòa.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông vận tải phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, UBND Biên Hòa, UBND huyện Vĩnh Cửu… làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 370, Trung đoàn 935.
Mục đích để xác định ranh giới, diện tích khu đất dự kiến bàn giao cho địa phương để nghiên cứu nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng. Đồng thời ghi nhận hiện trạng các công trình quốc phòng, tài sản trên khu đất dự kiến bàn giao cho địa phương.
Tháng 6 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021 - 2030. Giai đoạn 2021 - 2030, công suất 5 triệu khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 công suất 10 triệu khách/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận