Quản lý

Sân bay bớt tắc nhờ thu phí không dừng

Từ khi thí điểm đến nay, đã có 336.532 lượt xe qua làn thu phí không dừng tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Nhờ vậy, ùn tắc tại hai sân bay lớn nhất nước giảm đáng kể.

 Dự kiến, trong tháng 5 tới, việc này sẽ được triển khai chính thức tại 5 sân bay.

Nội Bài thông thoáng

Ngày 24/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại sân bay Nội Bài, làn số 2 được chọn thử nghiệm thu phí dịch vụ dừng đỗ ô tô nhà ga T1 (ga nội địa).

Sân bay bớt tắc nhờ thu phí không dừng
- Ảnh 1.

Sau hơn một tháng khai thác thử nghiệm thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài, tình trạng ùn ứ đã giảm, việc lưu thông thuận lợi. Ảnh: Trần Duy.

Sau khi chở khách từ thành phố vào nhà ga T1 trên tầng 2 để đi máy bay, phương tiện lưu thông trên cầu cạn xuống đường dẫn để thoát ra khỏi khu vực sân đỗ. Ở đây có 3 làn cho xe ô tô đi ra, trong đó làn số 2 (ngoài cùng bên trái) dành riêng cho các phương tiện trả tiền dịch vụ dừng đỗ ô tô theo thời gian, có thẻ tài khoản thu phí không dừng.

Tất cả các phương tiện đi vào làn này sẽ được tính phí và tự động trừ tiền trên thẻ ETC. Trường hợp tài khoản thanh toán tự động không đủ số dư để trả phí, tài xế có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua máy POS.

"Đi làn thu phí không dừng nhanh hơn hẳn, chưa đầy một phút là xe đã qua cổng. Trước đây thu thủ công, nhân viên thu tiền, phát vé, trả tiền lẻ mất vài phút. Những ngày lễ, xe nối đuôi phía sau có khi phải hơn 10 phút mới ra khỏi sân bay", anh Nguyễn Chiến, tài xế chở PV từ Nội Bài về khu vực nội thành Hà Nội cho biết.

Nhờ tuyến đường Võ Văn Kiệt trước trạm thu phí có đến 6 làn xe nên quá trình thử nghiệm thu không dừng tại sân bay Nội Bài rất thuận lợi. Phương tiện sau khi qua trạm thu phí có thể thoát nhanh theo trục thẳng, các xe đã dán thẻ ETC thích đi vào làn thu phí không dừng.

Là người thường xuyên đưa đón khách tại sân bay Nội Bài, anh Nguyễn Quốc Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đã dùng dịch vụ thu phí tự động từ khi có quy định bắt buộc các xe phải dán thẻ ETC khi vào cao tốc, nên cũng không cảm thấy bỡ ngỡ: "Từ khi sân bay thu phí không dừng, đã không còn cảnh xe xếp hàng dài để trả tiền mặt, thời gian di chuyển nhanh hơn nhiều".

Tân Sơn Nhất vẫn xung đột hướng tuyến

Trong khi đó, tại Tân Sơn Nhất, từ khi triển khai thí điểm, tình trạng ùn tắc cũng giảm hơn. Tuy nhiên, làn thử nghiệm thu không dừng vẫn gặp bất lợi do đường nối từ ga quốc nội ra đường Trường Sơn gặp xung đột hướng tuyến.

Sân bay bớt tắc nhờ thu phí không dừng
- Ảnh 2.

Dù tình trạng ùn tắc đã giảm nhưng dòng xe vẫn phải xếp hàng dài tại Trạm thu phí sân bay Tân Sơn Nhất do hiện mới chỉ thí điểm một làn thu phí không dừng.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, làn thử nghiệm thu phí không dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất là làn trong cùng bên phải, hướng từ nhà ga quốc nội ra đường Trường Sơn. Với vị trí này, người lái xe khó có thể chuyển hướng vào làn thu không dừng khi lượng xe đông. Nhiều trường hợp chưa kịp chuyển làn sang bên phải để vào làn thu không dừng đã bị các xe chạy song song nhích lên ép lại.

Anh Trần Thanh Hải (41 tuổi), tài xế xe dịch vụ cho biết, dù xe qua làn thu phí không dừng rất nhanh, nhưng vẫn bị ùn ứ ở cả hai hướng di chuyển vào đường Trường Sơn.

Với hướng rẽ phải về công viên Hoàng Văn Thụ, do là đường cong nên các xe phải giảm tốc độ. Còn hướng đi thẳng để rẽ vào đường Hồng Hà, tài xế thường phải dừng đợi đèn xanh nên khiến cả dòng xe ô tô từ trạm thu phí ùn lại phía sau.

Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam nhận định, quá trình thu phí không dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất gặp hạn chế do điều kiện khách quan về hạ tầng và vị trí đặc thù của sân bay này. Khoảng 70% lượng xe trên đường Trường Sơn không phải xe ra vào sân bay Tân Sơn Nhất nên thời gian chờ của 30% phương tiện còn lại sẽ lâu hơn.

Hiệu quả hơn nếu triển khai tất cả các làn

Cũng theo ông Mậu, vừa qua, Phòng Đường bộ, Sở GTVT TP.HCM đề xuất xem xét mở rộng khung giờ cấm xe tải để giảm ùn ứ, xung đột hướng tuyến giúp cửa ngõ Tân Sơn Nhất thông thoáng hơn. Tuy nhiên, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics đã có văn bản kiến nghị không triển khai vì cho rằng đề xuất sẽ gây phát sinh chi phí, ảnh hưởng chuỗi cung ứng kết nối với các kho hàng tại sân bay.

Sân bay bớt tắc nhờ thu phí không dừng
- Ảnh 3.

Phương tiện lưu thông qua làn thu phí ETC ở sân bay Nội Bài nhanh chóng thuận tiện hơn trước.

Theo ông Mậu, quá trình thu phí không dừng tại Tân Sơn Nhất sẽ hiệu quả hơn sau khi triển khai đồng loạt tất cả các làn. Tuy nhiên, chỉ đến khi nhà ga T3 đi vào khai thác mới giúp phân tán tổng lượng xe ô tô ra làm hai hướng để thực sự thông thoáng.

Trong khi đó, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, hệ thống thu phí tự động được thí điểm từ ngày 6/2/2024 tại làn ra số 2 - Nhà ga hành khách T1. Qua theo dõi, hệ thống hoạt động ổn định, tỷ lệ các phương tiện thanh toán thành công tại làn ETC chiếm phần lớn, đảm bảo phương tiện lưu thông, thoát nhanh. Ngay cả dịp tết Giáp Thìn cũng không xảy ra ùn ứ.

Sau hơn 1 tháng khai thác thử nghiệm cho thấy, số lượng phương tiện đi qua làn thu phí không dừng cao gấp 1,8 lần so với số phương tiện đi qua làn khai thác truyền thống, giảm đáng kể tình trạng tình trạng ùn ứ tại lối ra hướng từ cầu cạn xuống.

"Tỷ lệ khách thanh toán thành công bằng thẻ ETC tại làn thử nghiệm thu phí không dừng đạt khoảng 90%. Từ kết quả thử nghiệm, chúng tôi sẽ báo cáo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để xem xét điều chỉnh, mở rộng quy mô thử nghiệm", vị đại diện cho biết.

Tháng 5/2024 sẽ triển khai chính thức tại 5 sân bay

Ông Nguyễn Thanh Dương, Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ - Môi trường, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, ACV đã triển khai thu phí thử nghiệm tại hai cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất từ 6/2. Đo lường của đơn vị lắp đặt thiết bị và giám sát tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, có 85% trong tổng số xe ô tô đã dán thẻ thu phí không dừng.

Sân bay bớt tắc nhờ thu phí không dừng
- Ảnh 4.

Nhân viên kỹ thuật lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại trạm thu phí sân bay Tân Sơn Nhất.

Khối lượng thiết bị mỗi loại được phân bổ cho 5 cảng hàng không lên đến hơn 1.000 bộ cùng các gói bản quyền phần mềm. Các thiết bị cơ bản có thể kể đến như: 84 thiết bị đọc RFID tại bãi đỗ ô tô, làn vào, làn ra đi kèm 85 camera nhận diện biển số, 77 anten; 126 bộ chuyển mạch tại các làn và phòng máy chủ… Hệ thống cũng bao gồm các phần mềm soát vé, phần mềm thu phí trung tâm, phần mềm quản trị, máy chủ ảo hóa, tường lửa, phần mềm giám sát hậu kiểm để đảm bảo vận hành thuận lợi.

Thống kê từ 6/2 - 19/3, đã có 203.606 lượt xe qua làn thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài; 132.926 lượt xe qua làn thu phí không dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Lượt xe ô tô vào làn thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài cao hơn 53% so với lượt xe tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Dương cho biết, ACV sẽ tiếp tục thử nghiệm thu phí không dừng tại hai sân bay lớn nhất cả nước, đến 5/5 sẽ triển khai chính thức và đồng loạt tại 5 sân bay: Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

"Ngay trong tháng 3, đơn vị cung cấp và lắp đặt thiết bị thu phí không dừng đã thi công ở 3 sân bay Cát Bi, Phú Bài và Đà Nẵng. Số lượng thiết bị nhiều cùng với các yếu tố kỹ thuật về luồng tuyến cần phải hiệu chỉnh, phối hợp cùng Phòng CSGT, Sở GTVT 5 địa phương nên cần thêm thời gian thu thử nghiệm", ông Dương cho biết.

Theo ông Dương, tại các công trình đang thi công như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Nội Bài mở rộng sẽ đầu tư luôn trạm thu phí không dừng, giúp giao thông không bị ùn ứ.

Bên cạnh phương thức thu phí tự động không dừng, còn có phương thức Tap & Go. ACV đã phối hợp với các đơn vị có thế mạnh về thanh toán điện tử như Napas, Momo để ứng dụng thu phí. Những xe không dán thẻ ETC, tài xế chỉ cần quét QR Code khi qua trạm, thiết bị sẽ tự động trừ tiền phí, thời gian qua trạm thu phí chỉ mất vài giây.

Theo đại diện ACV, hành lang pháp lý khi triển khai thu phí không dừng tại các sân bay đã được các đơn vị liên quan phân tích cụ thể, không còn rào cản, vướng mắc.

Trước đây, nhiều ý kiến căn cứ vào Quyết định 19/2020 của Thủ tướng về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức thu phí không dừng, có quy định nhà cung cấp dịch vụ thu phí được phép đề xuất triển khai mở rộng thêm dịch vụ mới trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội, hiệu quả dự án. Theo quy định trên, các nhà cung cấp dịch vụ ETC được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, không liên quan đến hàng không.

Tuy nhiên, theo Nghị định 05/2021, các dịch vụ kinh doanh trên đường giao thông nội cảng sẽ được xem là kinh doanh dịch vụ phi hàng không. Trong đó, việc áp dụng thu phí dưới hình thức điện tử không dừng là cách thức thu phí, không làm thay đổi loại hình dịch vụ cũng như mức giá dịch vụ. Việc áp dụng thu phí theo hình thức này phù hợp với nhu cầu quản lý hoạt động giao thông nội cảng hàng không, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.