Chuyện dọc đường

Sân bay, cảng biển “của chung”

13/05/2022, 06:00

Thường thì tỉnh nào cũng muốn có sân bay, vừa nâng tầm địa phương, vừa là điều kiện để thu hút nhà đầu tư.

Nói gì thì nói, đi lại nhanh, thuận lợi là yếu tố hàng đầu để mời khách đến nhà.

Nhưng nếu tỉnh mình không thể có, thì coi sân bay tỉnh bạn là sân bay “nhà” có được không?

Câu chuyện này được một cán bộ lãnh đạo ngành giao thông nhắc tới trong vài lần phát biểu gần đây. Nghe lạ tai nhưng nghĩ kỹ, đây chính là lối thoát cho trường hợp của sân bay Cần Thơ.

img

Sân bay Cần Thơ dù được coi là cửa ngõ hàng không của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng lượng khách đi, đến chưa vượt quá nửa công suất thiết kế nhà ga

Sân bay Cần Thơ (theo cách gọi chuyên ngành là Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ) có quy mô đứng thứ 6 trong các cảng hàng không Việt Nam, tuy nhiên so với Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Liên Khương (Lâm Đồng), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) thì lượng khách thông qua thấp hơn nhiều và càng không thể so sánh với Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…

Có thực tế là dù giá vé trên đường bay đến Cần Thơ thấp hơn các đường bay khác do có chính sách hỗ trợ nhưng khách vẫn chẳng mặn mà.

Ngay kể cả những ngày chặng bay từ Hà Nội đi Côn Đảo qua Tân Sơn Nhất cháy vé thì chặng bay qua Cần Thơ ra Côn Đảo vẫn trống nhiều chỗ.

Một thực tế khác là nhiều quan chức, doanh nhân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long muốn bay ra Hà Nội thường chọn điểm đầu của chặng bay là Tân Sơn Nhất chứ không phải sân bay Cần Thơ.

Một doanh nhân bất động sản có tiếng ở miền Tây nói với tôi nửa đùa nửa thật “chạy thêm gần trăm km lên TP.HCM còn gặp bạn bè nhậu chút, rồi chọn tàu bay cỡ lớn bay ra Hà Nội cho oai, chứ bay Cần Thơ buồn lắm, ngồi phòng Vip ở sân bay cả tiếng chả gặp người quen”.

Đó là tâm lý khách bay từ Nam ra Bắc.

Còn người ngoài Bắc vào Nam thì chê du lịch Cần Thơ chậm thay đổi. Bay qua Cần Thơ chả có gì níu chân được khách một vài ngày.

Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng... vài chục năm qua vẫn thế, dù nghe qua thơ văn lãng mạn vô cùng nhưng khách đến một lần rồi về chẳng muốn ghé lần hai. Tour sông nước miệt vườn khi có trái cây thì còn hấp dẫn chút, đi trái vụ thì quả thật khó có điểm cộng.

Nói vậy để thấy, khi một mình Cần Thơ chưa thể tạo nên sức hút thì câu chuyện kết nối giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là việc phải tính đến.

Nếu các địa phương lân cận coi sân bay Cần Thơ như sân bay “nhà”, như một cửa ngõ chung để ra miền Bắc, miền Trung và bay quốc tế thì câu chuyện có lẽ sẽ khác.

Dù khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển không nhanh bằng Đông Nam bộ nhưng cả vùng rộng lớn với sản lượng lúa gạo, cây ăn trái đứng bậc nhất cả nước khi liên kết lại sẽ là một thị trường kinh tế và du lịch tiềm năng. Không có lẽ gì, một trung tâm vận chuyển hàng không của cả khu vực như sân bay Cần Thơ lại “ế ẩm” mãi.

Đây cũng là trăn trở của những người làm hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng cao, lượng khách còn thấp thì việc gánh lỗ duy trì các đường bay sẽ trở thành gánh nặng và khó có thể kéo dài.

Một nhà quản lý trong lĩnh vực này chia sẻ, nếu các tỉnh lân cận đều coi sân bay Cần Thơ là cửa ngõ hàng không bay ra Bắc thì may ra lượng khách mới đủ duy trì một nửa công suất nhà ga. Mà như hiện tại, thì rất nhiều người chọn đi đường bộ về TP.HCM để bay ra Hà Nội.

Chỉ khi nào các cửa ngõ, hạ tầng giao thông chung của khu vực được từng tỉnh quyết tâm khai thác triệt để, thậm chí là hội đủ nguồn lực cho nó thì khi đó đồng bằng sông Cửu Long mới có bước đột phá. Đây cũng chính là cách mà chúng ta sẽ khai thác cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) trong vài năm tới.

Khi đó, cảng biển Trần Đề sẽ không chỉ là riêng của Sóc Trăng mà phải là cửa ngõ chung về vận tải container của cả đồng bằng sông Cửu Long; giúp giảm chi phí vận tải, giá thành hàng hóa, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm của 13 tỉnh, thành.

Khi cả vùng kinh tế trù phú về nông nghiệp giải được bài toán liên kết vùng sẽ tạo ra động lực chung để từng tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn đơn lẻ theo đuổi mục tiêu của riêng mình.

Chỉ khi coi cảng biển, sân bay ở tỉnh bạn cũng là cửa ngõ của mình, coi nét độc đáo của du lịch tỉnh bạn là lợi thế trong chuỗi sản phẩm du lịch của mình; Chỉ khi nỗ lực hoàn thiện chuỗi logistics và thương hiệu du lịch chung thì đồng bằng sông Cửu Long mới có bước phát triển khác.

Nguyễn Nga

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.