Hồ sơ tài liệu

Sân bay châu Âu buộc khách phải… tiêu tiền

15/05/2016, 13:17

Theo Hiệp hội Sân bay ACI châu Âu, doanh số bán lẻ tại các sân bay thường chiếm khoảng 1/5 lợi nhuận.

Châu Âu  kết hợp trung tâm thương mại trong sân ba

Châu Âu kết hợp trung tâm thương mại trong sân bay để kích cầu hành khách

Sau vụ khủng bố tại sân bay nằm ở “trái tim châu Âu” - Brussels (Bỉ), các sân bay, hãng hàng không khu vực này hứng chịu tổn thất nặng nề do tâm lý sợ hãi của hành khách nên đã thay đổi chiến lược kinh doanh tại sân bay để “câu tiền” hành khách.

Hàng không thua lỗ vì khủng bố

Sau sự vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công khủng bố, cho nổ tung quầy check-in Sân bay Quốc tế Zaventem tại Thủ đô Brussels, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, cổ phiếu của các hãng hàng không Ryanair, EasyJet tụt sâu 4%. Trong một cảnh báo thương mại, Công ty Điều hành tour của Anh Thomas Cook cho biết: “Môi trường địa chính trị bất ổn tại khu vực châu Âu khiến hành khách có tâm lý e ngại và hủy/hoãn lịch trình du lịch”. Thomas Cook cho biết, hành khách ngày càng cảnh giác hơn khi chi tiêu nghỉ dưỡng ở nước ngoài. Và lợi nhuận bán lẻ tại sân bay là một trong những lĩnh vực thiệt hại nặng nề.

Theo Hiệp hội Sân bay ACI châu Âu, doanh số bán lẻ tại các sân bay thường chiếm khoảng 1/5 lợi nhuận - tỉ lệ này tăng đều, bền vững trong một thập kỷ trở lại đây. Công ty Điều hành Sân bay Frankfurt - Fraport cho hay, hành khách khu vực châu Á đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh doanh bán lẻ tại sân bay. Đáng chú ý, hành khách Việt Nam đóng góp phần nhiều vào sự tăng trưởng này.

Theo Fraport, số lượng hành khách đến từ: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% tổng lượng khách đến các sân bay châu Âu; nhưng họ chi tiêu tới 31% trong tổng lợi nhuận bán lẻ tại đây. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh bán lẻ sẽ được chuyển vào quỹ để nâng cấp hạ tầng và dịch vụ tại sân bay, theo Reuters.

Song, thời gian gần đây, ngành kinh doanh béo bở này đã bị ảnh hưởng vì số lượng hành khách châu Á có xu hướng giảm. Nhiều hãng hàng không châu Âu báo cáo, nhu cầu hành khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản trong năm 2016 đã giảm mạnh sau các vụ tấn công tại Paris, Brussels. Cả Fraport và Aeroports de Paris (Pháp) đều thừa nhận, kinh doanh bán lẻ đã giảm mạnh trong quý I năm nay. Nhà phân tích Simon French đến từ Công ty Tư vấn chứng khoán của Anh Cenkos Securities cho biết, nếu các hãng hàng không, sân bay không có phương án tăng cường an ninh và phục hồi lòng tin hành khách thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu kinh doanh.

Chạy đua cải cách, kích khách “mở ví”

Để lôi kéo hành khách “mở ví” mua sắm trong thời gian chờ đợi tại sân bay, hiện nay, các sân bay châu Âu đang chạy đua thiết kế lại các nhà ga sân bay; cũng như sáng tạo dịch vụ mới để kéo hành khách đến từ các nơi trên thế giới đặc biệt là châu Á mua sắm. Theo đó, các sân bay sẽ mở rộng và thiết kế lại các khu vực bán lẻ, đảm bảo phân bổ cửa hàng sao cho thu hút hành khách dừng chân ở dọc tuyến đường ra cổng máy bay, tăng cường số lượng cửa hàng và nhà hàng nhiều nhất có thể.

Chẳng hạn, Sân bay Vienna (Italia) dự kiến sẽ mở rộng thêm 50% diện tích khu vực mua bán và bán hàng tại Nhà ga số 2. Trong đó, các cửa hàng miễn thuế sẽ được đặt ngay sau khu vực kiểm soát an ninh - nơi hành khách bắt buộc phải đi qua. Sân bay Stansted của London đã chi 80 triệu bảng (116 triệu USD) để sửa sang hạ tầng, mở rộng không gian phòng chờ lên máy bay thêm 60% để mở thêm nhiều cửa hàng.

Mặt khác, khi thương mại điện tử phát triển mạnh, các sân bay phải thay đổi chiến lược để thu hút khách hàng. Sân bay Frankfurt của Đức đang xây dựng kế hoạch cho phép bán hàng qua mạng và sản phẩm sẽ được mang trực tiếp tới khách hàng. Không chỉ vậy, Frankfurt cho phép hành khách gọi đồ ăn qua mạng và nhận đồ ăn tại khu vực phòng chờ sân bay.

Ngoài ra, các sân bay tại châu Âu bao gồm: Copenhagen, Gatwick, Stansted và London Heathrow còn tạo điều kiện cho hành khách mua hàng trong ngày đi và nhận hàng ngày về. Sân bay Stansted đã áp dụng dịch vụ này từ đầu năm 2016. Kết quả, mỗi tuần, hành khách đã mua khoảng 3.000 túi hàng, để lại sân bay và lấy hàng trong ngày về. 

Sân bay bận rộn nhất châu Âu - Heathrow còn tạo điều kiện cho khách không bay qua Nhà ga số 5 vẫn có thể đặt hàng tại cửa hàng Chanel ở nhà ga này. Trước đây, dịch vụ ưu tiên chỉ được áp dụng với những hành khách VIP ở nhà ga số 4, nay được mở rộng ra toàn bộ hành khách. Giám đốc điều hành Heathrow John Holland-Kaye nói: “Nếu bạn cung cấp dịch vụ tốt, cho khách hàng cơ hội mua sắm trong khoảng thời gian hạn chế, họ sẵn sàng “rút tiền” để chi nhiều hơn”.

Với sự thay đổi này, ông John Jarrell, Giám đốc Công nghệ thông tin Sân bay thuộc Công ty Amadeus, chuyên cung cấp hệ thống công nghệ cho sân bay nói đùa rằng: “Về cơ bản, các sân bay hiện nay chính là các trung tâm thương mại có đường băng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.