Ông Nguyễn Xuân Tự (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ) |
Ông Nguyễn Xuân Tự là một trong những người giúp việc cho Hội đồng thẩm định nhà nước trong dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Trao đổi với PV, ông Tự nói:
Việc xây sân bay Long Thành là cần cho chính VN, bởi không đầu tư, đường hàng không đến TP.HCM, khu vực phía Nam có thể tắc nghẽn những năm tới. Nếu xoáy vào việc khó trở thành sân bay trung chuyển nên không cần đầu tư là không ổn. Tính toán trên căn cứ cụ thể đã chứng minh đến năm 2016 thôi, sân bay Tân Sơn Nhất đã có thể quá tải.
Việc mở rộng giai đoạn hai, giai đoạn ba của sân bay Long Thành sẽ phải cân nhắc, vì khi đó nếu có khả năng trở thành cảng hàng không trung chuyển, chúng ta mới tính toán đầu tư Ông Nguyễn Xuân tự |
Vấn đề lớn nhất mà nhiều người quan tâm là chi phí đầu tư sân bay Long Thành quá lớn. Liệu ngân sách có kham nổi không, thưa ông? Trần nợ công sẽ có thể phải bỏ?
Trong tờ trình của Bộ Giao thông vận tải cũng đã nêu rõ, Nhà nước chỉ làm những phần không có khả năng thu hồi vốn, như giải phóng mặt bằng, đường băng. Tổng ngân sách dự kiến khoảng 4 tỉ USD, còn lại sẽ xã hội hóa tối đa.
Đã có một số nhà đầu tư quan tâm. Như nhà ga, xưởng sửa chữa... doanh nghiệp có thể đầu tư, sau này thu phí. Phần 4 tỉ USD, ngân sách chúng ta đúng là hạn hẹp, nhưng việc cần đầu tư thì vẫn phải làm.
Theo tôi biết, Chính phủ Nhật cũng đã có quan tâm, chúng ta có thể đề nghị vay ODA của họ.
Hơn nữa, việc đầu tư có thể đến năm 2025. Nếu làm, cứ tính trung bình 10 năm, mỗi năm phải bỏ ra khoảng 400 triệu USD (khoảng 8.000 tỉ đồng).
Nếu xác định đây là công trình trọng điểm, trong điều kiện tái cơ cấu đầu tư công, không đầu tư những dự án không thật cấp thiết thì theo tôi, ngân sách có thể lo được.
Liệu có khả năng nào thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho cả dự án sân bay Long Thành?
Cái này khó. Bởi tỉ suất sinh lợi dự án theo tính toán chỉ 7,8%, tức thấp hơn lãi suất ngân hàng hiện nay. Có phần rất khó thu hồi vốn như giải phóng mặt bằng, đường băng...
Tuy nhiên, hiệu quả chung của dự án, tác động nhiều chiều kinh tế - xã hội (tỉ suất nội hoàn kinh tế) theo tính toán thì đạt tới 22,1%.
Vì vậy mới có tính toán thực tế là Nhà nước phải bỏ vốn ra làm những phần khó, ít có khả năng thu hồi vốn, còn lại sẽ xã hội hóa...
Thưa ông, đặt giả thiết không huy động được xã hội tham gia đầu tư thì Nhà nước phải gánh hết? Đó là chưa kể các dự án xây dựng thường bị đội vốn lớn?
Bây giờ mới là tiền khả thi nên đúng là mới ước tính sơ bộ. Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư mới tiến hành thêm các bước nghiên cứu khả thi.
Đến khâu thiết kế kỹ thuật mới rõ từng thiết bị, các hạng mục phải làm. Lúc này mới chính xác được số tiền. Bây giờ mới ước tính để xin chủ trương.
Có chủ trương sẽ kêu gọi vốn đầu tư. Sau này tính toán khả thi, nếu vốn đầu tư lớn quá, cân đối hiệu quả kinh tế xã hội chưa phù hợp, hoặc không có nhà đầu tư nào tham gia, thì vẫn có thể quyết không làm nữa.
Nhưng theo tôi, chúng ta cần thiết phải đầu tư sân bay Long Thành. Đây là cơ hội để VN có một sân bay trung chuyển quốc tế.
Nhưng Bộ Giao thông vận tải chưa làm rõ được căn cứ nào để khẳng định sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển quốc tế?
Khi Bộ Giao thông vận tải trình báo cáo đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, Hội đồng thẩm định nhà nước đã yêu cầu đến hai lần ban soạn thảo làm nổi bật những căn cứ để sân bay Long Thành có thể trở thành sân bay trung chuyển khu vực. Đúng là hồ sơ chưa làm rõ được.
Nhưng do đây mới là giai đoạn xin chủ trương đầu tư nên chưa thể làm rõ ngay tất cả. Ở các giai đoạn sau sẽ phải làm rõ hơn. Song theo tôi, ngay cả khi Long Thành chưa trở thành sân bay trung chuyển thì vẫn cần thiết vì Tân Sơn Nhất sắp quá tải.
Hiện tại, máy bay đến Tân Sơn Nhất nhiều khi không hạ cánh ngay được, phải bay vòng chờ lượt hạ cánh. Giờ chỉ có hai hướng, hoặc mở rộng Tân Sơn Nhất hoặc làm một sân bay mới. Với mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đây là một trong số các sân bay hi hữu nằm giữa thành phố.
Phải tính đến tình huống một chiếc máy bay với cả tấn nhiên liệu có sự cố ngay trên khu vực dân cư đông đúc thì sẽ thế nào.
Chi phí giải phóng mặt bằng cũng quá lớn nên TP.HCM đã có văn bản khẳng định không thể mở rộng Tân Sơn Nhất.
Nhưng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn dư đất, đã từng phải tính đến làm sân golf trong khu vực này cơ mà?
Trước đây Mỹ làm sân bay Tân Sơn Nhất có chuẩn bị để trở thành sân bay khu vực. Sau giải phóng chúng ta quản lý quy hoạch chưa tính đến, nên giờ Khu công nghiệp Tân Bình đã sát sân bay, đường Cộng Hòa trước là hàng rào sân bay thì nay thành đường.
Nên đầu tiên là toàn bộ hạ tầng bên ngoài có khả năng tắc nghẽn.
Thứ hai là trong sân bay, đất sân bay Tân Sơn Nhất hình tam giác nên nếu mở rộng, hai đường băng có thể phải đan chéo nhau.
Còn sân golf, Bộ KH-ĐT chưa từng đồng ý xây sân golf trong đó.
Về nguyên tắc, muốn làm sân golf sẽ phải xin ý kiến Bộ KH-ĐT.
Theo Cầm Văn Kình/Tuổi trẻ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận