Ngày 14/11, ông Nguyễn Nam Tiến - Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết, Cảng đã xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng chậm trả hành lý gây bức xúc cho hành khách trong thời gian qua.
Theo đó, nguyên nhân đầu tiên là nhân sự phục vụ của công ty cổ phần phục vụ mặt đất vào các khung giờ ban đêm luôn thiếu dẫn đến không đảm bảo quy chuẩn thời gian về phục vụ. Công ty phục vụ mặt đất chưa cung cấp đầy đủ thông tin thời gian dự kiến trả hành lý dẫn đến việc khách bức xúc do thiếu thông tin về thời gian nhận hành lý của chuyến bay.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không thiếu sót trong công tác kiểm tra, giám sát đơn vị phục vụ mặt đất theo cam kết chất lượng dịch vụ đã ký kết về thời gian trả hành lý.
Ngoài ra, hiện trạng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang thi công đầu bến đỗ số 20-21 nên đường công vụ A2 bị bó hẹp dẫn đến các xe bus chở khách đến, xe chở hành lí phải xếp hàng chờ đến lượt giải tỏa.
Hơn nữa, trong giai đoạn thi công, các xe nâng phục vụ hành khách được hỗ trợ đặc biệt tại khu vực cửa nhập 3 dẫn đến chiếm dụng thời gian khá lâu gây trì hoãn trả khách và hành lí.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã đề nghị công ty phục vụ mặt đất thực hiện nghiêm túc và đầy đủ về việc cập nhật thông tin về thời gian dự kiến trả hành lý.
Các hãng hàng không tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá đơn vị phục vụ mặt đất theo cam kết chất lượng dịch vụ đã ký kết về thời gian trả hành lý để có phương án xin lỗi khách tránh gây bức xúc cho hành khách về việc phải chờ đợi hành lý.
Trước đó, qua tiếp nhận phản ánh của hành khách, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất xác định một số chuyến bay khởi hành trễ so với giờ thông báo của hãng gần 60 phút. Tuy nhiên, hãng không chủ động thông báo dẫn đến một số lỗi vận hành hệ thống.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện một công ty phục vụ mặt đất khẳng định nguồn nhân lực không hề thiếu, bởi thời điểm này không phải là cao điểm.
Tuy vậy, vài tháng trở lại đây, mưa thường xuất hiện vào ban đêm gây ảnh hưởng đến tình hình khai thác của các hãng hàng không cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng. Tình trạng dồn chuyến khi trời tạnh, bắt buộc các đơn vị phải dàn trải nguồn lực để đảm bảo phục vụ toàn bộ các chuyến bay.
Hơn nữa, nhiều vị trí bãi đỗ của các hãng như Vietjet, Bamboo đỗ xa nhà ga nên việc di chuyển hành lý và hành khách vào nhà ga tốn nhiều thời gian hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc hành khách chờ hành lý khá lâu.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại khu vực đợi lấy hành lý ga đến quốc nội:
Hành khách đợi lấy hành lý tại băng chuyền vào sáng 14/11.
Tình trạng trả hành lý chậm tại sân bay Tân Sơn Nhất có nguyên nhân khách quan từ thiếu hụt nhân lực trong ngành hàng không sau đại dịch Covid-19. Thậm chí, có giai đoạn các công ty phục vụ mặt đất phải tuyển dụng liên tục nhưng khó tìm được ứng viên gắn bó lâu dài. Điều này dẫn đến tình trạng, chỉ cần một nhân viên lái xe thang hoặc xe kéo hành lý ra chậm, hàng trăm hành khách phải đứng chờ.
Thông tin dự kiến trả hành lý được hiển thị trên bảng công bố chuyến bay giúp hành khách chủ động hơn về thời gian.
Nhân viên SAGS giám sát tại băng chuyền trả hành lý. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, SAGS là công ty phục vụ mặt đất cho các hãng VietJet Air và Bamboo Airlines.
Làm việc trong môi trường đòi hỏi sự "ăn khớp" về tiến độ, trách nhiệm phục vụ lớn nhưng thu nhập không cao nên nhiều nhân viên phục vụ mặt đất đã chuyển nghề. Giai đoạn hàng không phục hồi cũng là lúc bộ phận nhân sự của các công ty phục vụ mặt đất đau đầu với áp lực tuyển dụng.
Tình trạng chuyến bay bị chậm dẫn đến chậm cả dây chuyền. Khi một thời điểm có nhiều chuyến bay hạ cánh khiến đơn vị mặt đất phải phân bổ lực lượng phục vụ cho tất cả các chuyến bay. Chỉ cần nhân viên lái xe kéo rơ-mooc này ra trễ, hàng trăm hành khách sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.Thậm chí băng chuyền cứ chạy nhưng hành lý chẳng thấy đâu.
Kịch bản trên vẫn đang có nguy cơ tiếp diễn dù cả Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và các công ty phục vụ mặt đất đã tích cực chấn chỉnh tình hình thông qua các cam kết quản lý giám sát trong những ngày qua. "Lương và các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên phục vụ mặt đất hiện chưa tương xứng với mặt bằng thu nhập của thị trường lao động", giám đốc một trung tâm môi giới việc làm nói với PV Báo Giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận