Lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất rất lớn |
Tần suất chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất vượt mọi kỷ lục
Khẳng định Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải trầm trọng, ông Đặng Tuấn Tú, giám đốc đơn vị này cho biết thêm, tần suất bay đi/đến Tân Sơn Nhất mùa hè này nhiều khả năng sẽ vượt cả cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua. Cụ thể, theo ông Tú, thống kê từ 16 - 22/6, tần suất bay trung bình đã đạt 630 lượt chuyến đến/đi trong ngày, ngày cao điểm nhất đạt 663 lượt (ngày 17/6), lượng chuyến bay tăng chủ yếu tập trung ở các đường bay nội địa.
Dự báo tần suất bay ngày cao điểm nhất lịch bay mùa hè 2016 sẽ đạt hơn 750 lượt chuyến bay đến/đi, cao nhất từ trước đến nay và vượt cả ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2016 (ngày 14/2 với tần suất bay 726 lượt đến/đi).
Năm 2015, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 181 nghìn lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách đạt hơn 26,5 triệu. Sang năm 2016, tính từ đầu năm đến hết 28/6, số lượt cất- hạ cánh đạt hơn 106,6 nghìn lượt chuyến bay (đạt 51,70% kế hoạch, tăng 21,84 so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng hành khách đạt hơn 15,8 triệu lượt, (tăng 25,18% so với cùng kỳ năm trước). |
“Lượng hành khách thông qua cảng rất lớn, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không trên tất cả các mặt, từ điều hành bay, sân đỗ, nhà ga đến kết nối giao thông. Với cơ sở hạ tầng hiện nay, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đang phải gồng mình để duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn”, ông Tú chia sẻ.
Thực tế, tần suất bay dày đặc tập trung vào nhiều khung giờ cao điểm gây áp lực rất lớn cho công tác đảm bảo an toàn, điều hành hoạt động không lưu thông suốt, trong điều kiện thời tiết xấu, nhiều chuyến bay phải chờ đợi lâu hoặc chuyển hướng đi sân bay khác do không đủ nhiên liệu bay chờ và hạ cánh.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, trong tháng 6 khi áp dụng điều phối giờ cất-hạ cánh (slot) cao điểm đến 42 chuyến/giờ, tần suất các chuyến bay phải bay chờ trên vùng trời tiếp cận tăng cao, có 203 lượt chuyến bay chờ hơn 30 phút, thậm chí có chuyến bay phải bay chờ hơn 60 phút.
Tuy nhiên, đây chỉ là số chuyến bay chờ trên 30 phút. Nếu tính cả số chuyến bay chờ trên 15 phút, số lượng còn nhiều hơn.
Khách nội địa tăng gấp rưỡi công suất thiết kế
Không chỉ tắc trên trời, dưới mặt đất, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đặc biệt là nhà ga quốc nội cũng đang oằn mình “cõng” lượng hành khách cao gấp rưỡi công suất thiết kế. Công suất thiết kế nhà ga quốc nội là 13 triệu khách/năm, trong khi đó sản lượng hành khách nội địa thông qua Tân Sơn Nhất trong năm 2015 là hơn 16 triệu hành khách. Dự kiến năm 2016, con số này sẽ đạt hơn 19,8 triệu hành khách, gấp rưỡi công suất thiết kế của nhà ga nội địa.
Cũng vì lượng khách, số chuyến bay đi/đến tăng cao mà “cái gì ở Tân Sơn Nhất hiện cũng đều quá tải”, ông Tú nói và cho biết thêm, sảnh quốc nội, 6 băng chuyền trả hành lý có thể phục vụ tối đa 18 chuyến bay/giờ nhưng vào giờ cao điểm, có ngày phải phục vụ tới 22 chuyến, vì thế khó tránh cảnh khách phải chờ hành lý quá lâu và phàn nàn, chê trách chất lượng dịch vụ.
Không chỉ tắc trong nhà ga, mà bên ngoài, các tuyến đường kết nối với cảng cũng thường xuyên ách tắc nghiêm trọng. “Đường Bạch Đằng, Hồng Hà đang trong giai đoạn thi công nên mặt đường dành cho lưu thông bị thu hẹp. Các tuyến đường Trần Quốc Hoàn - Trường Sơn - Bạch Đằng, Hồng Hà phân luồng giao thông, phương tiện chưa hợp lý, thường xuyên ách tắc. Trong khi đó, tần suất bay cao tại các khung giờ cao điểm trùng với thời gian tan sở. Hầu hết, các tuyến đường đều rất đông các phương tiện lưu thông, đặc biệt là vào thời điểm có mưa, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe trầm trọng, tắc nghẽn giao thông đến tận nhà ga hành khách”, ông Tú nhấn mạnh.
“Giải cứu” ùn tắc thế nào?
Nhấn mạnh để giảm tải cho Tân Sơn Nhất, giải pháp căn cơ, lâu dài không gì khác là đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác dự án CHK quốc tế Long Thành, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Quốc phòng bàn giao 30ha đất quân sự hoặc xã hội hóa để xây dựng nhà ga hành khách, mở rộng sân đỗ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Hàng không trong những năm tới, trước mắt cho tới khi có CHK quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để thực hiện những giải pháp này. Trong khi đó, ách tắc tại Tân Sơn Nhất đã rất trầm trọng. Từ đây, Thứ trưởng Nhật yêu cầu các cơ quan liên quan “làm ngay tất cả những gì có thể” để giảm tải cho CHK đông đúc nhất cả nước này.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng, giải pháp có thể làm ngay là giảm số chuyến bay điều phối trong giờ cao điểm, đặc biệt là cao điểm chiều vốn là thời điểm ách tắc trầm trọng nhất. Cùng đó, cần tăng chất lượng công tác dự báo thời tiết tại sân bay, đồng thời tiếp tục làm việc với phía quốc phòng để thực hiện tốt hơn việc phối hợp bay quân sự và dân dụng như thế nào để linh hoạt nhất.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty CHK VN (ACV) Đỗ Tất Bình cho biết thêm, hiện theo thống kê ngoài 3 khung giờ cao điểm, các giờ khác đều dưới giới hạn khai thác. “Từ 23h - 5 rưỡi sáng không có bay nội địa”, ông Bình nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận