Rất ít nhà đầu tư “nhắm” đến khu bay vì khó thu hồi vốn (Trong ảnh: Thi công đường lăn, sân đỗ CHK quốc tế Vân Đồn) - Ảnh: Hùng Sơn |
“Kiếm tiền” từ đâu?
Với những người quan tâm đến lĩnh vực hàng không, không quá khó để tính nguồn thu mà Sun Group có thể thu được từ CHK quốc tế Vân Đồn. Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho biết, với Vân Đồn hay bất kỳ sân bay nào, nguồn thu cũng đều hình thành từ 2 nguồn chính: Thu từ cung ứng dịch vụ hàng không và phi hàng không.
Thực tế, với các dịch vụ hàng không, Sun Group có thể có được nguồn thu từ các hãng hàng không qua các dịch vụ hạ, cất cánh, sân đậu tàu bay, soi chiếu an ninh hàng hóa. Ngoài ra, còn các dịch vụ khác có thể mang lại nguồn thu như cho thuê quầy làm thủ tục; cho thuê băng chuyền hành lý; dịch vụ khai thác thương mại mặt đất...
Sun Group không phải là nhà đầu tư tư nhân đầu tiên tham gia xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không. Trước Sun Group, Công ty CP Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) đã đầu tư vào dự án Nhà ga quốc tế Đà Nẵng. Kế đó, là Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh với dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế công suất từ 4-8 triệu hành khách/năm tại CHK quốc tế Cam Ranh. Tuy nhiên, Sun Group là nhà đầu tư đầu tiên tham gia đầu tư cả nhà ga lẫn hạ tầng khu bay (bao gồm: Đường băng, đường lăn, sân đỗ). Cần phải nói rằng, trong khi nhà ga hành khách tại một số CHK cơ bản được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng”, khu bay chưa bao giờ là “miếng ngon” nếu không nói là khá “xương” mà chưa nhà đầu tư nào muốn nhắm tới. |
Theo Quyết định 1992 quy định khung giá, mức giá dịch vụ hàng không, giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với tàu bay A320/A321 và tương đương (là loại tàu bay dự kiến sẽ được khai thác đi/đến nhiều tại Vân Đồn là 195 USD/lần với chuyến bay quốc tế và 1.520.000 đồng/lần với chuyến bay quốc nội tại CHK nhóm A. Mức giá áp dụng tại CHK nhóm B của Việt Nam được tính bằng 60% mức giá trên. “Theo thông lệ quốc tế, dịch vụ hạ cất cánh thường thu theo tàu bay hạ cánh. Do vậy, khoản thu của sân bay Vân Đồn được bằng 50% sản lượng tàu bay đi/đến CHK nhân với mức giá quy định”, một chuyên gia của Cục Hàng không VN cho biết.
Về dịch vụ soi chiếu, Sun Group hiện có thể thu 1,5 USD/khách bay quốc tế và 9.909 đồng/khách quốc nội. Đối với giá phục vụ hành khách, theo Quyết định 1992, khung giá cao nhất hiện đang được áp dụng tại Nhà ga T2 Nội Bài (khách bay quốc tế) với mức thu từ 13-25 USD/khách. Con số này tại Tân Sơn Nhất là 10-20 USD, Đà Nẵng, Cần Thơ là 8-16 USD và Phú Quốc là 9-18 USD.
Giá phục vụ hành khách quốc nội tại CHK nhóm A theo quy định tối thiểu là 31,8 nghìn đồng, tối đa là 63,6 nghìn đồng và nhóm B, tối thiểu là 27,2 nghìn đồng và tối đa là 54,5 nghìn đồng. Theo thông tin của Báo Giao thông, các mức giá trên có thể sẽ sớm tăng trong thời gian tới bởi vừa qua, ACV liên tục đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh, cơ cấu lại một số giá dịch vụ hàng không, trong đó một số dịch vụ tăng, một số dịch vụ giảm để phù hợp với bản chất hoạt động tại CHK và tạo nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK trong thời gian tới. Cụ thể, trước mắt, trong năm 2017, ACV đề xuất tăng giá phục vụ hành khách quốc nội thêm 30.000 đồng/khách với CHK nhóm A; Tăng 10.000 đồng/khách với CHK nhóm B; Điều chỉnh tăng 15% giá hạ/cất cánh quốc nội; Giá đảm bảo an ninh hàng không điều chỉnh tăng 5.000 đồng/khách đối với quốc nội, tăng 0,5 USD/khách đối với quốc tế.
Như trên đã nói, ngoài khoản thu từ dịch vụ hàng không, một khoản thu đáng kể khác mà Sun Group có thể có được từ sân bay Vân Đồn đến từ dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng kinh doanh, mặt bằng quảng cáo; dịch vụ trông giữ xe ô tô; Tự kinh doanh dịch vụ phi hàng không như bán hàng miễn thuế, ăn uống, phòng khách hạng C, VIP… Thực tế cho thấy, thu từ dịch vụ phi hàng không hiện chiếm khoảng 25-40% doanh thu từ một sân bay.
Có lãi không dễ
Dự án CHK quốc tế Vân Đồn có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khu bay là 2.124 tỷ đồng. Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, trong hợp đồng BOT dự án CHK quốc tế Vân Đồn đã ký giữa Tập đoàn Sun Group và UBND tỉnh Quảng Ninh, dự kiến thời gian hoàn vốn của dự án là 45 năm theo phương án tài chính được duyệt.
Được biết, ngoài những ưu đãi hỗ trợ theo quy định đối với nhà đầu tư BOT trong lĩnh vực GTVT, UBND tỉnh Quảng Ninh và Sun Group cũng có những thoả thuận hỗ trợ khác liên quan đến việc miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như việc nhà đầu tư được độc quyền tổ chức hoạt động đầu tư, phát triển, quản lý, khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không.
Theo các chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng hàng không, không dễ để Sun Group có thể kiếm lời từ dự án đầu tư vào sân bay Vân Đồn. “Tôi không nghĩ sân bay Vân Đồn sẽ có lãi được. Chưa rõ họ nhắm đến thị trường nào nhưng nếu chỉ là khách thuê chuyến thì rất khó. Còn nếu bay thương mại, Vân Đồn không phải là điểm đến, không phải là Hub (trung tâm trung chuyển hàng không). Kiếm tiền từ đầu tư sân bay không dễ. Nhìn vào thực tiễn, chính các sân bay nhỏ của ACV cũng đều đang thua lỗ đấy thôi”, vị chuyên gia cho hay.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV khi còn là Cục trưởng Hàng không VN không ít lần khẳng định, Nội Bài và Tân Sơn Nhất là 2 trong số rất ít CHK trong toàn bộ hệ thống cảng mà ACV quản lý, khai thác đang có lãi. Hay nói cách khác, Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang đóng vai trò “gánh lỗ”, “anh nuôi” cho đa phần các CHK còn lại.
Thực tế này cũng được chính Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng thừa nhận tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào ACV. Cụ thể, theo ông Hùng, kết quả kiểm toán trong tổng số 21 CHK do ACV quản lý, chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận