Tài chính

Sàn giao dịch nợ chính thức hoạt động

15/10/2021, 18:31

Sàn là trung tâm môi giới, tư vấn và kết nối cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ.

Ngày 15/10, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tổ chức lễ công bố đưa Chi nhánh Sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức.

img

Trụ sở của Sàn giao dịch nợ đặt tại số 22 Hàng Vôi, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết nhiệm vụ của Sàn giao dịch nợ là đầu mối cung cấp thông tin về khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; Là trung tâm môi giới, tư vấn và kết nối cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán các khoản nợ và tài sản đảm bảo của các khoản nợ.

Theo đại diện VAMC, khi có hàng hóa, sàn sẽ rà soát, đánh giá lại về thông tin khoản nợ để cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua, bán. Thậm chí, có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.

Thời gian tới, VAMC sẽ tiếp tục hoạt động theo hướng không vì mục tiêu lợi nhuận với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trước đó, theo quyết định 2024 ban hành cuối năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2021-2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ.

Song song, VAMC cũng phải tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC, hướng tới việc đề xuất được thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) và các tổ chức tín dụng nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.

Ngoài sàn giao dịch nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu VAMC hoàn thành chỉ tiêu mua nợ theo giá trị thị trường được phê duyệt, phấn đấu hàng năm hoàn thành thành vượt mức chi tiêu này 5%-10% và tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống.

Giai đoạn 2026-2030, VAMC mở rộng lĩnh vực hoạt động, hướng tới việc mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế; Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản...

Bên cạnh đó, VAMC cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, hướng tới xây dựng VAMC thành một định chế có vai trò trung gian để thực hiện các dịch vụ như: Tư vấn tài chính, đối tác xây dựng chiến lược cho các nhà đầu tư trên cơ sở hiểu biết về mục tiêu, các ngành kinh tế, ngành công nghiệp của VAMC; Đề xuất thực hiện hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp và mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho VAMC được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật; Hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.