Tối 21/6, Tỉnh ủy Khánh Hòa ra Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy liên quan đến việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang.
San hô bị tẩy trắng tại vịnh Nha Trang
Theo tỉnh Khánh Hòa, qua ý kiến của các chuyên gia, báo cáo của Ban quản lý vịnh Nha Trang và phản ánh của báo chí cho thấy, việc suy giảm phần lớn rạn san hô là quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương).
Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch,…).
Đợt khảo sát mới cho thấy chất lượng san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình. Đặc biệt, khu vực Tây Nam của Hòn Mun có tình trạng rạn san hô rất kém, tỉ lệ bao phủ chỉ còn 7,8%
Do đó, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND Khánh Hòa chỉ đạo TP. Nha Trang trước mắt phải tạm dừng các hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là Hòn Mun; đồng thời khoanh nuôi bảo vệ các khu vực nhạy cảm trên vịnh Nha Trang.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, thành phố Nha Trang phối hợp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bảo tồn Hòn Mun.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, du khách… và chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện ngay việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát và có báo cáo cụ thể, chính xác, đầy đủ về thực trạng, nguyên nhân và từ đó đề xuất giải pháp để bảo vệ, phục hồi.
Trước mắt, Khánh Hòa sẽ tạm dừng các hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là Hòn Mun; đồng thời khoanh nuôi bảo vệ các khu vực nhạy cảm trên vịnh Nha Trang.
Tỉnh Khánh Hòa cũng xây dựng biện pháp lâu dài với Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang trong đó sẽ chú ý đến việc rà soát cơ chế quản lý, bảo tồn vịnh Nha Trang; nâng cao năng lực của Ban Quản lý vịnh Nha Trang; liên kết, hợp tác trong công tác quản lý các khu bảo tồn biển trên vịnh Nha Trang.
Tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu, điều tra khảo sát, đánh giá định kỳ việc bảo tồn, giữ gìn các rạn san hô trên vịnh Nha Trang (bao gồm khu bảo tồn biển Hòn Mun); đề xuất nghiên cứu thiết lập "Khu dự trữ sinh quyển Hòn Bà - Sông cái" và "Khu sinh thái biển quốc tế Vịnh Nha Trang".
Theo báo cáo Rạn san hô tại vịnh Nha Trang có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam gồm hơn 220 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% loài san hô trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và 7 loài cỏ biển… Các rạn san hô tại khu bảo tồn biển này có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao và tập trung phân bố ở các khu vực Hòn Mun (22 ha), Hòn Tằm (20 ha), Hòn Rơm (3,2 ha), Hòn Vung (4,6 ha)…
Đợt khảo sát mới cho thấy chất lượng san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình. Đặc biệt, khu vực Tây Nam của Hòn Mun có tình trạng rạn san hô rất kém, tỉ lệ bao phủ chỉ còn 7,8%. Rạn san hô bị chết, sóng đánh lên bờ kéo dài một bãi rộng đến 600 m2. Ở khu vực Đông Nam, độ bao phủ san hô cũng chỉ còn 14,5%; trên bờ, một bãi san hô chết rộng 300 m2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận