Hàng tấn cà phê phế phẩm trộn ruột pin con Ó được phát hiện ở Đắk Nông |
Sau nhiều ngày dư luận phẫn nộ vì phát hiện cà phê nhuộm than pin con Ó ở Đắk Nông; sau những chờ đợi chưa thấy hồi âm từ cơ quan chức năng về “đường đi” của loại hợp chất khủng khiếp này, bất ngờ, hôm nay, chủ cơ sở chế biến “cà phê bẩn” gây sốc khi trả lời phỏng vấn độc quyền trên Báo Người lao động. Bà Loan - chủ cơ sở thu mua nông sản đồng thời là cơ sở chế biến cà phê bị công an thu giữ tang vật ở Đắk Nông cho biết: Cà phê trộn đó, “nếu uống người chết hàng loạt”.
Bà chủ cơ sở đang trở thành đối tượng bị chỉ trích gay gắt trên mạng lý giải: việc nhuộm các tạp chất này với than pin là do người cùng đầu tư cơ sở này yêu cầu, vì trước đó có người đến xưởng hỏi mua tạp chất cà phê màu đen với giá 3.000 đồng/kg.
Bà Loan nói nguyên văn “Nghĩ sao mấy thứ vỏ cà phê, sỏi cát mà chế biến thành cà phê bột. Nếu thứ đó mà làm cà phê thì giờ người đã chết hàng loạt, nhiều người phải cấp cứu trong bệnh viện” (Trích trả lời phỏng vấn trên báo Người lao động).
Phế phẩm cà phê được thu mua trộn lẫn đá, than ruột pin con Ó |
Thông tin này đi ngược với đa số suy đoán và buộc tội của dư luận gần đây nhưng trùng lắp với sự phân tích của một số ít người. Trong đó có người sử dụng facebook có tài khoản Hoàng Xuân. Người này chia sẻ: “Với các ảnh chụp hiện trường, lời khai và thông tin của cơ quan điều tra cho tới hôm nay thì hoàn toàn chưa thể kết luận được đây là sản phẩm làm giả cà phê, đã được đem đi tiêu thụ trên thị trường.
Vì nó là các viên đá vụn chừng nửa phân đến một phân trộn với vỏ trái cà phê thành một hỗn hợp lổn nhổn, sau đó nhuộm đen bằng bột trong viên pin.
Nếu muốn uống thứ này thì phải xay tan nát nó ra thành bột mịn cho giống cà phê hòa tan, trộn hương liệu cho có mùi, mới gọi là làm giả cà phê được.
Nhưng nếu vậy thì bột đá có thể hòa tan hoàn toàn trong nước thành dung dịch trông giống cà phê hòa tan hay không? Nếu để bán kiếm lời thì rang cháy bắp và vỏ cà phê sau đó đem xay mịn như có những cơ sở khác đã làm và bị bắt, hợp lý hơn nhiều chứ?”.
Thậm chí, một tài khoản khác tên Trần Vinh phân tích: “Pin mà trộn vào cà phê, đố các anh chị uống được 1 ly mà không gục xuống… và hỡi ôi các anh chị… sẽ biết cái vị nước pha trộn các loại ấy là không thể nuốt nổi”.
Cả hai tài khoản này đều nhận được nhiều sự đồng tình của người đọc và đồng thời đặt nghi vấn về mục đích của thông tin “cà phê pin” trong những ngày qua.
Tuy nhiên, tuần qua, không chỉ một vài mà hàng chục tờ báo đã đề cập về “cà phê pin” trong nhiều bản tin liên tiếp, có bản tin trích nguồn gián tiếp khẳng định bà Loan cho biết từ đầu năm đến nay đã bán 3 tấn cà phê bột ngâm trộn than pin. Có bản tin trích lời Phó Giám đốc Sở Công an Đắk Nông khẳng định: “Hiện tại, Cơ quan CSĐT xác định cơ sở bà Loan có nhuộm dung dịch pin vào các phế phẩm cà phê. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì. Nếu xác định bà Loan dùng cà phê này để chế biến thực phẩm thì có đủ cơ sở để truy cứu bà Loan về hành vi quy định tại điều 317 Bộ luật hình sự”. Công an Đắk Nông cho biết bước đầu xác định lượng cà phê ngâm pin đã được tiêu thụ ở Bình Phước và hiện đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Phế phẩm cà phê đã được nhuộm đen. Ảnh: Nld.com.vn |
Đến thời điểm này, rõ ràng có rất nhiều câu hỏi đặt ra? Tính chính xác của những bản tin trên báo chí? Mục đích sản xuất hai chục tấn cà phê có một không hai? Đích đến cuối cùng của những tấn cà phê kỳ lạ? Công an có quá khó để làm rõ được việc này? Thị trường cà phê bột, cà phê "vỉa hè", người trồng cà phê có bị ảnh hưởng hay chỉ là những dự đoán trầm trọng hóa vấn đề.
Phía sau những tấn cà phê “pin con Ó” là gì? Câu hỏi này chúng ta tiếp tục chờ cơ quan công an và cả báo chí trả lời. Và tất nhiên, trả lời càng sớm càng tốt.
Dụng cụ trộn các tạp chất cà phê. Ảnh: Nld.com.vn |
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận