Hàng hải

Sẵn phương án ứng phó sự cố, tai nạn hàng hải ở Vũng Tàu

10/08/2022, 15:55

Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu vừa đưa ra phương án ứng phó tai nạn, sự cố hàng hải với tàu container tại Vũng Tàu.

Giảm thiểu nguy cơ gây ách tắc luồng

Theo Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, các phương án được xây dựng làm cơ sở để các chủ tàu, thuyền trưởng và các cơ quan, tổ chức liên quan vận dụng nghiên cứu và tổ chức ứng phó kịp thời, có hiệu quả với tai nạn, sự cố hàng hải (đặc biệt với tàu container trọng tải trên 80.000 DWT) xảy ra trong vùng nước, cảng biển thuộc địa phận cảng biển Vũng Tàu.

img

Khi xảy ra sự cố, tai nạn hàng hải, chủ tàu là người có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện công tác cứu hộ và khắc phục kịp thời hậu quả tai nạn. Ảnh minh họa

Các tình huống được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải tại Vũng Tàu tính đến như: Tàu bị mắc cạn mà thân tàu/mũi tàu/đuôi tàu nhô ra phía trong luồng hàng hải, gây ách tắc luồng; Tàu bị sự cố máy, cháy nổ, lưới quấn chân vịt mà thuyền trưởng phải thả neo khẩn cấp trên luồng hoặc quyết định đưa tàu lên cạn mà thân tàu/mũi tàu/đuôi tàu nhô ra phía trong luồng hàng hải, gây ách tắc luồng.

Ngoài ra, một sự cố khác là tai nạn đâm va, dẫn tới hậu quả chìm đắm tại khu vực biên luồng hàng hải, gây nguy hiểm cho hoạt động của tàu thuyền khác; Chìm đắm giữa luồng hoặc chìm đắm trong phạm vi luồng gây ách tắc luồng.

Khi xảy ra tai nạn, sự cố, chủ tàu có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực để thực hiện kịp thời mọi biện pháp cần thiết giảm thiểu tình trạng gây ách tắc luồng và đảm bảo an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm trong khu vực.

Cùng đó, chủ tàu cũng phải giảm thiểu thiệt hại cho các chủ tàu, chủ cảng và doanh nghiệp liên quan khác do hậu quả của tình trạng ách tắc luồng làm đình trệ hoạt động giao thông hàng hải trong khu vực.

Khi có tình huống khẩn cấp liên quan đến tai nạn, sự cố với tàu container tại cảng biển Vũng Tàu, thuyền trưởng cần triển khai các biện pháp, phương tiện, thiết bị, lực lượng tại chỗ để ứng phó một cách chủ động, kịp thời để làm giảm thấp nhất những thiệt hại, tổn thất phát sinh. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng ở địa phương để xử lý sự cố nhanh chóng.

Chậm nhất sau 30 phút phải thông báo với Cảng vụ

Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, do thực tế tại Việt Nam chưa có đơn vị cứu hộ nào có đủ khả năng cung cấp hết các dịch vụ cứu hộ nên khuyến khích chủ tàu và các đơn vị liên quan lựa chọn các đơn vị liên doanh có năng lực để cùng cung cấp dịch vụ cứu hộ.

img

Trường hợp phát sinh tình huống phải tìm kiếm và cứu nạn người bị nạn, phải kịp thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết để chủ trì, triển khai Phương án phối hợp tìm kiếm cứu nạn

Ngoài ra, do tính chất cấp thiết phải triển khai ngay hoạt động cứu hộ nhằm tránh gây ách tắc luồng hàng hải, làm đình trệ hoạt động thông thương hàng hải, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng biển trong khu vực, cũng như thực tế quá trình tìm kiếm đối tác, thương thảo hợp đồng thuê phương tiện, lực lượng cứu hộ mất nhiều thời gian nên chủ tàu phải có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu, ký “Hợp đồng nguyên tắc” với các đơn vị có khả năng cứu hộ phù hợp và thảo luận, sẵn sàng dự thảo trước mẫu “Hợp đồng cứu hộ” để triển khai ngay khi có tình huống xấu xảy ra.

Đồng thời, khi có tai nạn xảy ra với tàu đang hành hải trên luồng hoặc đang cập tại cảng, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu khuyến cáo thuyền trưởng phải chủ động phối hợp và thực hiện theo sự chủ động theo sự điều động của Cảng vụ hay Trung tâm VTS.

“Chậm nhất 30 phút sau tai nạn, sự cố, chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải thông báo với Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu biện pháp, lực lượng, phương tiện ứng cứu và kịp thời triển khai thực hiện. Trường hợp chủ tàu không thực hiện hoặc cố gắng trì hoãn các biện pháp ứng cứu, Cảng vụ bắt buộc phải tự tổ chức điều động lực lượng, phương tiện cứu hộ để triển khai phương án ứng phó nhằm hạn chế tổn thất phát sinh thì chủ tàu phải chịu mọi chi phí liên quan”, lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu nhấn mạnh.

Trường hợp tai nạn, sự cố làm phát sinh tình huống phải tìm kiếm và cứu nạn người bị nạn, phải kịp thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết để chủ trì, triển khai Phương án phối hợp tìm kiếm cứu nạn.

Với trường hợp sự cố làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính năng điều động của tàu, hoặc làm tàu bị thủng gây ảnh hưởng tới tính nổi/tính ổn định của tàu hoặc gây cháy nổ thì thuyền trưởng hoặc hoa tiêu phải cố gắng đưa tàu đến vị trí neo an toàn hoặc cố gắng đưa tàu lên cạn tại vị trí phù hợp.

Khi sự cố gây ách tắc luồng hoặc gây nguy hiểm cho các tàu thuyền khác, chủ tàu phải kịp thời báo cáo Cảng vụ để yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam khảo sát, lắp đặt báo hiệu hàng hải phù hợp, ra thông báo hàng hải và triển khai ngay lực lượng, phương tiện, phối hợp với Trung tâm VTS và các đơn vị liên quan điều tiết giao thông hàng hải.

Đồng thời, chủ tàu hoặc Cảng vụ hàng hải phải triệu tập ngay cuộc họp đánh giá tình hình, thảo luận biện pháp phù hợp để giải phóng luồng, cũng như lên phương án trục vớt hay đưa tàu thoát cạn.

Trong trường hợp tai nạn làm phát sinh ô nhiễm môi trường do tràn dầu, chủ tàu phải kịp thời đề nghị Trung tâm ứng cứu sự cố dầu tràn miền Nam hoặc đơn vị có chức năng, thiết bị phù hợp với phạm vi ảnh hưởng, khối lượng dầu tràn để kịp thời giải pháp ứng phó.

Căn cứ đặc điểm, tính chất luồng hàng hải, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải khẩn trương xác định tương quan giữa vị trí tàu chìm hoặc vị trí tàu mắc cạn tại biên luồng mà thân tàu/mũi tàu/đuôi tàu nhô ra phía trong luồng hàng hải, gây ách tắc luồng… để nghiên cứu, xác định phương án phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.