Từ tháng 7, Việt Nam sẽ bước vào chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử (Trong ảnh: Người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện E). Ảnh: Thanh Hà
Ngay trong tháng 7, các đối tác đảm bảo cung ứng cho Việt Nam khoảng 8 triệu liều vaccine để cả nước bước vào chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Không còn cảnh chờ đợi, chen chúc tiêm vaccine?
Thời gian gần đây, nhiều người sau đi tiêm vaccine phòng Covid-19 khá ngạc nhiên khi được nhận ngay giấy xác nhận kèm theo mã code QR. Chị Tâm Thanh (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) tiêm phòng vaccine Covid-19 tại Bệnh viện E cho hay, đây chính là điểm mới, bởi nhiều đồng nghiệp đi tiêm đợt trước tại một điểm tiêm khác vẫn chưa nhận được giấy xác nhận tiêm phòng.
“Chúng tôi được nhân viên y tế lý giải, mã QR trên giấy xác nhận chính là mã hoá dữ liệu theo dõi thông tin tiêm chủng. Trước ngày tiêm, chúng tôi nhận được tin nhắn tải app Sổ sức khoẻ điện tử (SSKĐT) vào điện thoại và khai báo thông tin theo hướng dẫn, sau đó nhận được lịch hẹn tiêm. Ngay khi tiêm xong, đã thấy thông tin cá nhân đầy đủ kèm thời gian, mũi tiêm, loại vaccine… được cập nhật trên app”, chị Thanh chia sẻ.
Trước đó, không ít người đi tiêm phòng vaccine Covid-19 đã tỏ ra khá mệt mỏi và lo lắng khi phải chờ đợi quá lâu, trong khi phải tiếp xúc với nhiều người. Thậm chí tại TP HCM, việc tổ chức tiêm với quy mô lớn vào tuần cuối tháng 6 gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm cao khi cả ngàn người chen chúc đăng ký tại nhà thi đấu Phú Thọ.
Một người dân từng tiêm ở đây cho biết, chị có mặt ở điểm tiêm lúc 9h sáng, đến 16h mới được tiêm! Trước tình cảnh trên, chính quyền địa phương đã phải khá vất vả trong việc bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một thành viên trong tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và truyền thông cho biết, công nghệ quản lý tiêm vaccine Covid-19 đã áp dụng thí điểm tại nhiều điểm tiêm chủng.
“Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể tải app SSKĐT cung cấp mã QR dữ liệu tiêm chủng cá nhân, bản chất chính là mã hộ chiếu vaccine sẽ áp dụng sau này. Trên app cung cấp nhiều tính năng từ thông báo lịch tiêm tới loại vaccine để người dân chủ động theo dõi. Với người được tiêm 1 mũi vaccine, nền app sẽ có màu vàng, người hoàn thành cả 2 mũi, nền app sẽ chuyển màu xanh”, vị này nói và cho biết thêm: “Thời gian qua, các bên đều nỗ lực vừa làm, vừa kiểm tra, đánh giá, hoàn thiện các tính năng làm sao cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, muốn triển khai đại trà, cần phải được đồng bộ từ chính sách tới cơ chế, hệ thống căn cước công dân để đảm bảo mỗi người chỉ có 1 mã, tránh những vấn đề phát sinh. Đây cũng chính là vấn đề tốn nhiều công sức nhất”.
Dự kiến, cuối tuần này hệ thống ứng dụng SSKĐT sẽ được “bấm nút” khai trương chính thức đi vào hoạt động.
Quản lý từng mũi tiêm, từng liều vaccine
Mới có hơn 4 triệu người được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam
Theo con số cập nhật tới nay, mới có hơn 4 triệu người được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, trong đó số đã hoàn thành 2 mũi tiêm khoảng 230 nghìn người. Với mục tiêu 70% người dân đạt miễn dịch, từ tháng 7/2021, Việt Nam sẽ bước vào chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 nhấn mạnh: “Chúng ta cố gắng từ nay đến cuối năm tiêm hết cho người dân hoặc có thể sang đầu năm 2022. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra mục tiêu đến năm 2023 đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đưa ra mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022. Đây là yêu cầu rất lớn trong khi các nước khác là trong năm 2022 và đầu 2023”.
Để đạt yêu cầu trên, dự kiến chiến dịch tiêm chủng sẽ được thực hiện ở 19 nghìn điểm tiêm, trong đó nền tảng cơ bản nhất là trạm y tế xã, phường, các điểm tiêm di động, các cơ sở y tế.
Do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào chiến dịch tiêm chủng, từ đăng ký tiêm chủng, khám sàng lọc, đến tổ chức triển khai tại các điểm tiêm chủng.
Cụ thể, bằng quy trình trực tuyến, tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc phải tiến hành khám sàng lọc và phân loại sẵn tất đối tượng dự kiến tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên để phân loại trường hợp nào được tiêm tại trạm y tế xã phường, trường hợp nào cần phải tiêm ở cơ sở y tế có giường bệnh, trường hợp nào được tiêm tại điểm tiêm di động.
Sau khi đã được phân loại, tại điểm tiêm chủng chỉ cần đo nhiệt độ, huyết áp của người đi tiêm để tránh tập trung đông người tại điểm tiêm trong cùng một thời điểm.
“Bằng giải pháp công nghệ thông tin, chúng ta có thể theo dõi mỗi điểm tiêm có bao nhiêu liều vaccine được phân bổ, bao nhiêu người được tiêm, còn lại bao nhiêu người chưa được tiêm, vaccine được quản lý, bảo quản ra sao… Tóm lại tất cả thông tin về số lượng vaccine và hoạt động tiêm chủng đều được công khai để người dân phối hợp và đồng hành trong chiến dịch này”, đại diện tiểu ban Ứng dụng CNTT quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và truyền thông cho biết.
Ngày 7/7, lô vaccine Pfizer đầu tiên sẽ về Việt Nam
Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 7/7, hơn 90.000 liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNtech sẽ về tới Việt Nam. Dự kiến, trong quý III/2021 sẽ có thêm khoảng 3 triệu liều và quý IV/2021 có khoảng 27-28 triệu liều vaccine Pfizer/BioNtech về nước.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng gần 5 triệu liều vaccine (đều của hãng AstraZeneca), trong đó gần 2,5 triệu liều do COVAX Facility hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua Công ty VNVC, khoảng 2 triệu liều vaccine do Chính phủ các nước tặng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận