Thị trường

Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam

29/05/2019, 07:00

Có một làn sóng chuyển dịch đầu tư của các DN nước ngoài vào Việt Nam. Đây thực sự là cơ hội tốt khi dòng vốn từ nhiều quốc gia đổ vào nước ta.

img
Việt Nam được đánh giá là điểm đến của các nhà máy gia công ngành may mặc, giày da,
điện tử. Ảnh: P.Điền

Làn sóng dịch chuyển đầu tư vào việt nam

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam thu hút được 16,74 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn từ Trung Quốc là 2,02 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 2 dự án quy mô lớn được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam là Dự án Chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR, tổng vốn đăng ký là 280 triệu USD, đầu tư tại Tây Ninh và Dự án Lốp Advance Việt Nam của nhà đầu tư Guizhou Advance Type Investment Co.,Ltd, với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,09 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký là 2,02 tỷ USD và 1,52 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu tính riêng vốn đăng ký cấp mới, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, với tổng vốn đăng ký cấp mới lên tới 1,56 tỷ USD, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.


Navigos Search mới đây báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao quý I/2019 khẳng định, làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất, công nghệ...

Cụ thể, mới đây vốn đầu tư của Mỹ tại Khu công nghệ cao TP HCM đã tiến hành xây thêm nhà máy mới để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang. Công ty này quyết định tuyển thêm 1.000 lao động. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đến khi các công ty hoạt động ổn định. Riêng các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang yêu cầu ứng viên nói được tiếng Hoa.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) thừa nhận, chỉ riêng năm 2018 có khoảng 65 doanh nghiệp gỗ nước ngoài đã đầu tư chính thức vào Việt Nam, trong đó có tới 23 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Đây cũng là một thách thức đối với ngành đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ trong nước.

Thống kê của Sở KH&ĐT Hải Phòng cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay có thêm 29 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư mới vào thành phố này nhưng tổng vốn đầu tư chỉ ở mức hơn 63 triệu USD (khoảng 1.400 tỉ đồng).

Trao đổi với Báo Giao thông, ôngTrần Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ (Chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ - Hải Phòng) chia sẻ: “Từ đầu năm tới nay, số doanh nghiệp Trung Quốc tới tìm hiểu thương thảo việc thuê đất, tăng gấp 2 lần. Trong gần 5 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã tiếp hơn 60 nhà đầu tư và doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, trong đó có cả những tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, EU có nhà máy đặt tại Trung Quốc đại lục. Dự kiến, trong thời gian tới có thể đàm phán và “chốt” hợp đồng được với 15 nhà đầu tư”.

Ông Bùi Minh Hồng, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ tháng 6/2018 đến tháng 5/2019, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 53 dự án FDI với số vốn đầu tư 539,3 triệu USD, trong đó đối tác đến từ Trung Quốc (gồm Đài Loan, Hồng Kông, Đại Lục) là 18 dự án (chiếm tỷ lệ 34% số dự án) với tổng vốn đầu tư 96,1 triệu USD với ngành nghề chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử.

Vốn FDI vẫn dồn về các vùng kinh tế trọng điểm

img
Doanh nghiệp Trung Quốc tại KCN Đồ Sơn (Hải Phòng)

Tại Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh hiện có 33.000 doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký trên 221.000 tỷ đồng và trên 1.400 dự án vốn FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký hơn 29 tỷ USD.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai trong 4 tháng đầu năm 2019 vốn FDI tiếp tục tăng. Tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn trong 4 tháng đầu năm 2019 là 653,56 triệu USD, đạt 143% so với cùng kỳ năm 2018 (456,5 triệu USD), đạt 65,3% kế hoạch năm. Trong đó cấp mới 30 dự án với tổng vốn đăng ký 246,5 triệu USD. 32 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 407,05 triệu USD.

Nhiều nhà đầu tư ngoại săn
mua cổ phần DN Việt

Trong tháng 5/2019, Tập đoàn SK Hàn Quốc chi 1 tỷ USD để sở hữu 6% cổ phần của tập đoàn Vingroup (VIC) khi đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ VIC. Sau đó Tập đoàn SK Hàn Quốc tiếp tục chi mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình 113.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này tương đương thị giá hiện tại của cổ phiếu VIC.
Tháng 9/2018, Tập đoàn SK Hàn Quốc cũng bỏ ra 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ mà Masan thông báo bán, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan. Giá bán là 100.000 đồng/cổ phần, cao hơn thị giá tại thời điểm đó.
Mới đây, tập đoàn SK Enegy (Hàn Quốc) cũng tuyên bố, vẫn mong muốn mua thêm cổ phần Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Năm ngoái tập đoàn này đã mua 3,55 triệu cổ phần, tương đương 5% cổ phần, trở thành cổ đông lớn của PVOIL.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT giai đoạn 2016 - 2018 và quý I/2019 môi trường đầu tư kinh doanh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng KTTĐ phía Nam) tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Tính đến hết tháng 3/2019, Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục dẫn đầu về thu hút FDI với tổng số vốn 3,52 tỷ USD. Trong đó, TP HCM thu hút được 1,55 tỷ USD (tăng 20,4% so với cùng kỳ) chiếm 44% vốn FDI toàn vùng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của vùng chiếm 41,6% tổng số doanh nghiệp cả nước với số vốn đăng ký chiếm 57,8% tổng số vốn đăng ký của cả nước.

Tại Đà Nẵng, làn sóng đầu tư từ các DN nước ngoài ngày càng mạnh mẽ. Trong chương trình tọa đàm mùa xuân 2019, TP Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư 19 dự án với tổng số vốn gần 4 tỷ USD.

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, chương trình tọa đàm mùa xuân 2019, TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD (Mỹ) chuyên sản xuất linh kiện máy bay và là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới làm chủ đầu tư. Tập đoàn này đã đầu tư 170 triệu USD vào TP Đà Nẵng để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

“Cùng với đó là dự án Mở rộng Khu Du lịch Xuân Thiều có tổng vốn 100 triệu USD do Công ty CP Mikazuki Khách sạn Katsuura làm chủ đầu tư. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng trao chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, tổng vốn 70 triệu USD, do Tập đoàn Key Tronic EMS (Mỹ) đầu tư; Dự án Mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor, có tổng vốn 30 triệu USD do Công ty TNHH Mabuchi Motor đầu tư; Dự án Nhà máy chế tạo gia công các loại ống xả, có vốn 7 triệu USD, do Hao Hsing Investment Co., Ltd đầu tư”, lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Theo ông Bùi Minh Hồng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác một mặt thực hiệu tốt chính sách “chính quyền đồng hành cùng DN”, luôn ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chăm sóc tại chỗ cho doanh nghiệp, tạo niềm tin và giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, gắn bó lâu dài.

Mặt khác tỉnh tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh thông qua việc ban hành các Bộ thủ tục hành chính rút ngắn tối đa thời gian liên quan đến các thủ tục cấp phép dự án. Thực hiện tốt việc sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư đảm bảo dự án có chất lượng, công nghệ cao, có tính lan tỏa, thân thiện với môi trường nhằm tránh để Vĩnh Phúc trở thành bãi phế thải và sản xuất ra những sản phẩm, công nghệ kém chất lượng trên địa bàn.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp Đồng Nai (DiZa) cho biết: Đạt được những kết quả khả quan về thu hút vốn FDI là nhờ tỉnh luôn nhất quán với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chất lượng xúc tiến đầu tư, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư cũng được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, Đồng Nai chủ động kết nối với các tham tán đầu tư, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nắm bắt nhu cầu đầu tư của những tập đoàn lớn, những nhà đầu tư tiềm năng để xúc tiến, tiếp cận kịp thời. Tỉnh cũng tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… giới thiệu những chủ trương, chính sách cởi mở của tỉnh và kêu gọi các nhà đầu tư vào một số lĩnh vực then chốt.

Ngoài ra, tỉnh cũng xác định chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá hay ban hành các ưu đãi riêng ngoài quy định pháp luật hiện hành mà thực hiện chủ trương, thu hút đầu tư có chọn lọc. Tỉnh ưu tiên chọn dự án công nghệ cao, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường, các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng, giao thông, dự án có vốn đầu tư lớn sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề. Điểm mạnh trong chính sách thu hút vốn FDI những năm gần đây của tỉnh là ngoài thu hút các tập đoàn lớn, các dự án có vốn đầu tư lớn thì Đồng Nai còn chú trọng mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, ngành nghề ít ô nhiễm.

Cần kiểm soát dòng tiền “ngầm”

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), số liệu thống kê cho thấy, tính đến 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 5 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây (năm 2016 đạt 10,1 tỷ USD; năm 2017 đạt 12,1 tỷ USD và năm 2018 đạt 9,9 tỷ USD).

Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và vừa cho biết: Luồng vốn ngoại đổ vào Việt Nam cao từ năm 2018 trở lại đây đã được định liệu từ trước, tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận với dòng vốn ngầm, nếu không được kiểm soát sẽ phá vỡ tính ổn định không qua đăng ký. “Thông qua người Việt, dòng vốn ngầm dưới nhiều hình thức khác nhau có thể gây hại cho nền sản xuất kinh doanh, phá vỡ nền kinh tế vĩ mô”. Trước tình hình trên, ông Thân cho rằng, DN Việt sẽ đối mặt với nhiều thách thức. “Mặc dù thời kỳ sơ đẳng của DN Việt đã qua, trình độ quản trị công nghệ đã được nâng cao nhưng so với nước ngoài thì vẫn rất khiêm tốn. Nếu không tự thích nghi, nâng cao trình độ, chúng ta sẽ tự đào thải, “chết” trên sân nhà ”, ông Thân nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định: Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, dự báo dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á sẽ diễn ra rất mạnh. Trong đó, Việt Nam là một trong những địa bàn thu hút rất mạnh luồng đầu tư này. Dẫn lại câu chuyện từ năm 2017, số lượng DN quy mô vừa dừng hoạt động tăng 27% còn DN quy mô lớn dừng hoạt động tăng 52%, ông Cường dự báo: “Thời gian tới, sẽ có cuộc cạnh tranh rất lớn khi Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khiến DN trong nước mất chỗ đứng. Khi đó, chủ trương phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ khó khăn”. Qua đây, ông Cường kiến nghị Chính phủ cần có định hướng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; phải dựa vào ưu tiên lĩnh vực mà các tập đoàn, DN trong nước chưa thể hình thành và phát triển được chứ không nên thu hút tràn lan.

“Cần coi trọng thu hút những lĩnh vực có thể chuyển giao công nghệ mới chứ không phải sử dụng các DN di chuyển mang đến Việt Nam những công nghệ mà một số nước không dùng nữa. Đặc biệt, cần định hướng rất rõ trong thu hút những DN mới, tạo được chuỗi liên kết với các DN trong nước để hình thành các tập đoàn kinh tế trong nước chứ không chỉ đơn thuần là những tập đoàn đầu tư nước ngoài mà không có liên kết với trong nước như hiện nay”, ông Cường nói.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) nhận định, thực tế để các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung tại thời điểm hiện nay là “rất khó” bởi vướng mắc nhiều rào cản, nhất là bài toán kinh tế.

“Các doanh nghiệp nước ngoài khác kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu đã đầu tư tại Trung Quốc họ cũng mới chỉ đang xem xét vấn đề di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang quốc gia khác, việc dịch chuyển tài sản đã đầu tư là không hề dễ dàng, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra một chi phí rất lớn”, ông Điệp cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.